Hôm nay,  

Có Những Niềm Riêng

15/10/201400:00:00(Xem: 14454)

Tác giả: Nguyễn Thị Thêm
Bài số 4361-14-29761vb4101514

Tác giả sinh năm 1948. Quê quán: Biên Hòa, Việt Nam, cựu học sinh Ngô Quyền. Trước 1975, dạy học. Qua Mỹ năm 1991 theo diện HO. Bắt đầu viết từ năm 2010, có bài trên một số báo điện tử. Hiện định cư tại Riverside, California. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên: “Mùi Áo Lính”, tháng 9-2014. Sau đây là bài viết thứ hai.

* * *

Không hiểu sao tôi rất thích bài "Có Những Niềm Riêng" của Lê Tín Hương.

Lời nhạc như những lời tâm sự tự đáy lòng. Điệu nhạc réo rắt, ru hồn người và trải dài những mong muốn, những khắc khoải khôn nguôi.

Vâng! Trong mỗi con người ai cũng có những nỗi niềm riêng, nhất là phụ nữ.

Không hiểu sao ông trời tạo ra phụ nữ với nhiều bổn phận và trách nhiệm. Để rồi trong sâu thẳm tâm hồn luôn luôn vương mắc một cái gì đó không thể giải bày.

Người phụ nữ Á Đông bị ràng buộc nhiều thứ. Cái luân lý, đạo đức Khổng Mạnh đưa trinh tiết người đàn bà lên hàng trọng yếu. Cho nên tình yêu và trinh tiết đôi khi phản nghịch nhau đè chết thân phận của một con người.

Khi nói về nỗi niềm riêng thì dường như chữ tình và chữ trinh chiếm phần chủ đạo. Kế đó là những u uẩn về đời sống gia đình không dám hé môi. Bởi vì "Ai đem chuyện nhà ra bêu rếu". Hay "Chuyện nhà đóng cửa bảo nhau". Thế nhưng khi đóng cửa lại rồi thì không thể nói hay nói ra mà người trong cuộc chẳng thèm nghe thì thà là câm nín.

Chuyện của em là một câu chuyện não lòng. Tôi không thể nói tên em ra vì đó là niềm riêng sâu kín.

Em nghe lời gia đình theo ghe vượt biên. Em ra đi trong nước mắt hai hàng. Đi vì không thể ở lại khi tên cán bộ gần nhà lúc nào cũng quấy nhiễu. Thân phận gia đình tư sản ngụy bị đánh tả tơi và đẩy về vùng kinh tế mới. Vẫn không yên khi em là một cô gái có nhan sắc. Thế rồi giả dạng một cô gái đi buôn từng chuyến hàng về miền Tây, em theo ghe vượt biển. Em vật vờ theo chiếc ghe bồng bềnh sóng nước. Chân trời tự do mờ mịt tối tăm như biển đêm. Và rồi tàu hải tặc tấn công, em tả tơi trong bàn tay vùi dập của những người đàn ông Thái Lan man rợ. Một đợt rồi hai đợt, em ngất đi rồi tỉnh lại. Muốn chết không xong, toàn thân đau đớn thương tật, tâm hồn trơ cứng chai lì. Và rồi em được cứu sống và em được đi định cư ở một nước tự do.

Em không dám kể về quá khứ của mình cho cha mẹ, bạn bè, anh em. Quá khứ như bóng ma ám ảnh em hằng ngày hàng đêm. Em bơ vơ xứ lạ quê người. Em tự nhủ mình phải đứng dậy, quên tất cả để làm lại cuộc đời. Trên con tàu ngày ấy có ai biết ai đâu, mọi người cùng cảnh khốn cùng, có biết nhau cũng phải giả vờ quên để vùi chôn quá khứ.

Em cố gắng đi làm, đi học. Em xin rửa chén ở một nhà hàng Việt Nam. Hai bàn tay mềm mại học trò khô cằn vì hóa chất. Mỗi ngày đi làm về là em ghé vào học ESL ở một trung tâm gần nhà. Đất nước cơ hội đã tạo em từng bước đi lên những nấc thang học tập cao hơn và công việc làm phù hợp với khả năng... Bây giờ em là một trở thành một cô dược sĩ của một pharmacy có tầm cở của Mỹ.

Tình cờ em gặp lại người bạn cùng xóm ngày xưa trong một lần đi du lịch. Người con trai đã từng nhìn theo em mỗi buổi đến trường. Anh ta nghèo nên không dám tỏ tình chỉ yêu thầm và chờ đợi. Sau bao nhiêu năm xa cách, hai người thành niên gặp lại nhau nơi xứ lạ quê người. Hai tâm hồn cô đơn ấm lại vì tình đồng hương, tình bè bạn và tình yêu đã đến để cùng nhau xây dựng cuộc đời. Em đã nhiều lần muốn tâm sự, muốn kể rõ cho vơi đi bao ám ảnh. Nhưng dưới mắt chồng em, em là một cô gái toàn bích, một tiểu thư trong trắng ngây thơ. Trong vòng tay thương yêu của chồng, em sợ vuột đi hạnh phúc. Một người đàn bà thất tiết một lần hay bao nhiêu lần cũng giống nhau. Ai biết cái quá khứ tối tăm ghê rợn của em. Em muốn trốn chạy dĩ vãng dù nó vẫn thỉnh thoảng đuổi theo em trong giấc ngủ mộng mị. Em thề! Vâng em thề chôn chặt nỗi đau tận đáy lòng đến mãn kiếp.

Bạn tôi là người trong câu chuyện thứ hai. Một câu chuyện thương tâm có thể xảy ra rất nhiều trong xã hội VN thời chưa mở cửa. Thế nhưng mỗi nhân vật chỉ sống trong nỗi đau và niềm ân hận khôn nguôi.

Chồng chị đi tù Cộng Sản, nhà lâm cảnh đói nghèo. Chị ngoài giờ đi dạy còn phải đi buôn hàng để nuôi một đàn con và tiếp tế cho chồng. Từ 4 giờ sáng chị đón chuyến xe đầu tiên đem hàng đi bỏ mối. Giờ này còn sớm hàng nông sản lậu qua lọt cửa kiểm soát vì là mối quen. Đến nơi bỏ mối hàng xong chị bươn bả đón xe về cho kịp giờ dạy buổi sáng. Cô giáo hai tay chai cứng khô cằn vì vất vả. Không còn son phấn, áo dài tha thướt như ngày xưa. Chị đứng lớp như một con vẹt. Con vẹt nói theo sách, có bác, có Đảng, có độc lập, tự do. Bác kiểm soát từng mớ bắp, bao khoai, mớ đậu do tay mình trồng tỉa, không được đem ra khỏi xã. Con chị đói meo, nhà mẹ ruộng rẫy trồng tỉa mà nhìn cháu xanh xao thiếu ăn. Đảng bảo chị phải dạy học trò chống Mỹ ngụy, mạt sát những thằng ngụy ác ôn khi chồng chị đang bị đày trong trại tù Yên Bái. Chị dạy các em đất nước tự do mà chị đi ra khỏi xã thăm mẹ cũng phải xin giấy chính quyền với bao nhiêu cái mộc có hình búa liềm đỏ chói. Chị bảo học trò đất nước hòa bình, dân ta hạnh phúc mà hàng đêm chị ôm con khóc trong sự cô lẻ nhớ nhung.

Ôi mọi thứ đảo điên chị phải dạy, chị phải đứng lớp, phải uốn lưỡi đến tê cứng để được sống còn. Buổi sáng đứng lớp, tan giờ về đi gom hàng nông sản và sáng mai đi buôn lậu. Cả nước buôn lậu, cả một xã hội buôn lậu. Mọi người nói dối nhau để sống, để sinh tồn. Mấy ký lô gạo và mấy món nhu yếu phẩm hàng tháng chưa đủ cho chị sống một mình. Còn con, còn chồng còn bao nhiêu thứ phải chi. Chị trở thành một cô giáo đi buôn lậu hàng chuyến sành sỏi.

Thế rồi một lần gom hàng chị bị bắt. Chúng tịch thu mấy bao đậu xanh và bắp rồi bắt chị về đồn công an. Tại đây muốn trở về với con, muốn còn được đi dạy, chị phải trao đổi. Món hàng trao đổi là thân xác một người đàn bà.

Chị bặm môi, nước mắt chảy theo từng cơn dâm loạn của tên cán bộ khốn nạn. Một lần lầm lỡ chị có mang với hắn. Chị khóc trong tủi nhục, chị căm thù nhưng bất lực. Chị phá thai không ai biết nhưng vết hằn thương đau theo chị suốt đời. Chồng chị về vui đoàn tụ, chị đi định cư ở nước ngoài nhưng trong lòng chị luôn có cái gai. Chị luôn luôn thấy mình có tội, thấy mình đầy tủi nhục và xấu xa. Chị mang trong lòng một tì vết không cách chi gột rửa. Nỗi niềm riêng đè nặng trái tim đến nghẹt thở mỗi chị khi nghe ai ca tụng sự đoan trinh của những người vợ HO.

Chị theo chồng xuống đường biểu tình chống CS mỗi khi có hội đoàn kêu gọi. Chị gào to, chị la lớn, chị muốn thả ra hết những oan ức, nhục nhằn chị phải gánh. Chị căm thù một chế độ tàn án, khốn nạn. Chị nhìn những tên cán bộ CS như cái thằng khốn nạn đã hủy diệt hai chữ tiết trinh của chị.

Đất nước Mỹ tự do đã cho chị có cơ hội làm lại từ đầu. Chị ra đi hai bàn tay trắng. Một ông chồng gầy yếu bệnh hoạn sau những tháng ngày trên trại tù Việc Bắc. Nắm tay các con, chị hứa với lòng chị làm lại từ đầu. Chị làm tất cả những công việc có thể để đưa các con hội nhập vào xã hội tự do.

Con chị bây giờ đã là một Bác Sĩ, chị yêu xứ sở này, yêu những con người thẳng thắn, yêu một đất nước có luật pháp bảo vệ. Tìm đâu xa. Đây chính là thiên đường của những con người bị nhiều bất công áp bức.


Còn đây, một câu chuyện điển hình trên nước Mỹ. Một đất nước tạo nhiều cơ hội những người đàn bà tài giỏi. Thế nhưng họ có hạnh phúc không? Họ có sống trong niềm vui thành tựu hay cũng có những nỗi niềm riêng.

Cô là một người thành công trên thương trường. Cô đẹp, cô giỏi giang cô lo cho chồng, cho con chu toàn trách nhiệm. Thế nhưng có ai biết đâu đêm về cô luôn thao thức, nước mắt âm thầm chịu đựng. Chồng cô luôn luôn xa lánh cô. Bên kia phòng khách anh một mình bên ấy, cô bên này ôm gối khóc thầm. Có cái gì vướng mắc, có một hố cách ngăn không thể san bằng. Anh không thể thông cảm cho cô hay cuộc tình đã hết.

Mới hôm nào cô và anh đi song bước trong những buổi tiệc đông đảo, sang trọng. Ai cũng nói họ xứng đôi. Ai cũng ca tụng, ai cũng ao ước được như hai người.

Thế nhưng bao nhiêu đêm rồi cô cắn răng mà khóc. Tuổi của cô bây giờ đang khát khao có một bờ vai, một sự thèm khát âm ỉ đốt cháy con người cô. Thế nhưng anh như một tảng băng. Anh không thể cho cô sự yêu thương, thỏa mãn. Anh không nói ra nguyên nhân hay bất cứ điều gì, chỉ tìm cách lãng tránh. Còn cô, cô cũng không thể nói ra. Cô câm nín chịu đựng trong uất ức. Không biết sẽ chịu đựng được tới bao giờ.

Đó là những mẫu chuyện đời điển hình trong xã hội. Người phụ nữ phải trả cái nợ oan khiên ngày tạo thiên lập địa. Bà Eva đưa trái cấm cho chồng. Cái trái cấm nằm ở cổ người đàn ông nên luôn trậm trực. Người đàn bà là cái xương sườn đã bị tách ra từ chồng. Nên khi người đàn ông bực bội, đau khổ người đàn bà cảm nhận một cách rõ ràng để chia sẻ. Còn khi người đàn bà có những uất ức hay tâm sự đầy vơi thì người chồng dường như vô tình không biết. Một phần nào đó cắt lìa thì không còn dây mơ rễ má. Đó là sự vô tình hay thiếu bén nhậy của đàn ông.

Tôi không bị một quá khứ đau buồn nào đè nặng, nhưng trong tôi những niềm riêng vẫn âm ỉ khôn nguôi. Những niềm riêng đó đôi khi như thác lũ, đôi lúc như cây kim chích nhẹ vào trái tim. Nó làm tôi nghẹt thở nhưng vẫn mĩm cười. Mĩm cười để con cái yên tâm đèn sách, để mẹ già sống vui những ngày cuối đời. Để bản thân mình tự an ủi. Thôi! Đó là nghiệp mình phải trả.

Có một điều tôi muốn tâm sự với các đấng ông chồng Việt Nam trang lứa chồng tôi.

Các anh à! Các anh đang đến và sống ở đất nước Hoa Kỳ. Một đất nước mở ra cơ hội cho những người dấn thân và học hỏi. Các anh cũng như chồng tôi là những người lỡ vận, tuổi đã cao, sức đã kiệt sau bao nhiêu năm tù đày. Mọi tư tưởng, phong tục VN nó đi vào máu, vào thịt vào từng hơi thở.

Có một số các anh có sức khỏe, có nghị lực, có điều kiện đã học tiếp, tiến thân và thành công. Các anh ấy vì tiếp xúc nhiều người Mỹ, văn hóa Mỹ nên dễ dàng hội nhập.

Nhưng văn hóa Tây Phương mới mẻ của Mỹ đã làm đau khổ biết bao người phụ nữ Việt Nam thuần túy như chúng tôi. Khi hành trang xuất ngoại là đầy những hình ảnh thương đau, tủi nhục, thua thiệt của quá khứ và một câu nói:

- "Ở xứ Mỹ đàn ông sắp hạng sau con chó. Hãy liệu mà ăn ở".

Một câu nhắn nhủ chua chát, tàn độc đã khiến những ngày hội nhập khập khiễng biết bao nhiêu. Cụ thể, lần đầu tiên ra bộ Xã hội để làm hồ sơ trợ cấp tị nạn chính trị. Cô nữ nhân viên nhìn lên giấy tờ và gạt phắt tên của chồng tôi và điền vào đó là tên của tôi đứng đầu form.

Bà nói: ''Tôi sửa đổi tên bà để nhận những trợ cấp. Phụ nữ thường lo cho gia đình và tiết kiệm lo cho con.''

Tôi nhìn đôi mắt chồng tôi đầy bất mãn mà lo sợ. Thôi rồi, cuộc sống gia đình sẽ bắt đầu không vui từ cái nhỏ này của văn hóa Mỹ.

Bước ra khỏi cửa phòng của sở xã hội, anh buông một câu:

- Tôi đã biết rồi, qua đây là bà làm chủ hết, bà toàn quyền tui chỉ đứng chót, tui thua cả con chó nữa mà.

Và thế, tôi làm chủ nhà bếp, khệ nệ đi bộ mua thức ăn về, nấu nướng dọn lên cho cả nhà. Tôi làm chủ cái đống chén dĩa ăn xong. Tôi làm chủ đống quần áo dày mùa lạnh bằng đôi tay yếu đuối vì không đủ tiền mua máy giặt, máy sấy. Tôi lau nhà, tôi dọn dẹp, tôi làm chủ tất cả công việc trong nhà, ngoài việc cùng chồng đi học ESL.

Đó! Đó chỉ là cái mở đầu cho những ngày sống trên nước Mỹ. Muốn gia đình êm thuận, tôi chỉ còn biết giao cái nhiệm vụ làm chủ đồng tiền cho chồng. Còn mình tiếp tục làm chủ công việc.

Thế nhưng không phải dễ dàng vượt qua tất cả, cái tư tưởng "Người đàn ông ở Mỹ thua con chó" nó đã đóng mộc trong tâm tưởng chồng tôi rồi, nên bất cứ điều gì cũng bị câu này đè bẹp, đay nghiến... Tôi chỉ biết cúi đầu câm nín, chịu đựng. Vì đó là chuyện của gia đình mình.

Đã nói là "Có những niềm riêng một đời câm nín" nên tôi không thể kể hết ra đây. Tôi chỉ có một chút tâm sự.

Các anh à! Chồng ơi! Ở Mỹ người ta đưa người phụ nữ lên đầu là vì người phụ nữ đã góp phần không nhỏ vào sự nghiệp của chồng. Dưới mắt người Mỹ phụ nữ và đàn ông đều có một sự bình đẳng về giá trị con người. Người phụ nữ phải được bước ra xã hội và đem trí tuệ, tài năng mình đóng góp cho xã hội. Đó là quyền lợi và trách nhiệm của phụ nữ. Phụ nữ còn là một sinh vật đáng yêu cần được yêu thương, che chở. Người phụ nữ được cưng chiều như một chú cún hay con mèo nhỏ dễ thương. Như vậy người đàn ông càng tăng thêm giá trị về sức mạnh và tài năng của mình.

Ở Mỹ, Tổng Thống đắc cử người ta cũng lên khán đài cám ơn người vợ và các con. Câu đầu tiên các chính khách, nghệ sĩ hay doanh nhân thành đạt phát biểu là tỏ lời biết ơn người vợ yêu thương đứng sau lưng hỗ trợ cho mình. Đó là cái nghĩa, cái tình, công bình cho sự cống hiến âm thầm của người phối ngẫu.

Có khi nào tư tưởng chồng thoáng một chút nghĩ như vậy hay không? Có khi nào chồng thêm cái từ "cám ơn" trong tự điển của chồng không? Có khi nào chồng thấy vợ mình đáng thương và tội nghiệp hay không?

Đất nước Mỹ là thiên đường cho sự tiến bộ, là cơ hội cho những người OPEN tư tưởng.

Các con mình đã thành nhân, đã và đang là những người Mỹ gốc Việt tương đối thành công. Chúng đang bơi lội trong dòng sông tự do và tôn trọng nhân phẩm con người dù đó là nam hay nữ, là người của bất cứ quốc gia nào.

Người đàn bà Á Đông không khi nào muốn vượt qua mặt chồng dù sống ở bất cứ nơi đâu. Cái luân lý đó nó đã giúp người phụ nữ VN chịu đựng và chung thủy. "Vợ chồng phải luôn tương kính" là gốc lõi của mọi gia đình. Chồng hãy nhìn lại để thấy một quá trình chung sống, một giai đoạn đời đã trải qua. Dù đã qua đây bao nhiêu năm em vẫn không hề thay đổi. Vẫn làm chủ cái bếp, cái sink, cái máy giặt. Làm một người con dâu ngoan, một người vợ chăm lo cho chồng, một người mẹ hết lòng vì con cái.

Bốn mươi bốn năm đời sống hôn nhân, bao nhiêu lần em nuốt nước mắt vào lòng câm nín. Niềm riêng canh cánh bên lòng em không thể nói với ai.

Em thèm khát có một ngày thật bình an, cùng chồng ngồi xuống và thật tin cậy em sẽ mở cái niềm riêng của em ra mà tâm sự hết với chồng. Thế nhưng, rất tiếc sẽ không bao giờ có cái ngày hạnh phúc đó. Niềm riêng vẫn chỉ là niềm riêng của chỉ một mình em.

...

Có những niềm riêng muốn nói ra
Nhìn quanh ta chỉ một mình ta
Cô đơn đè nặng trong phiền muộn
Để chết tình mơ trong xót xa.

Nguyễn thị Thêm

Ý kiến bạn đọc
19/10/201417:11:58
Khách
Qua Mỹ mà sao không hưởng thụ như ăn diện, ăn uống, đọc tin giải trí, lạc hậu quá vậy.
18/10/201404:30:00
Khách
40 năm sống chung mà chị không có lúc nào để nói ra với anh những điều chị nghĩ và thấy bất công trong cuộc sống vợ chồng ư?
Chả lẽ anh có thể tiếp tục vô tình hay nhẫn tâm hành xử một cách không công bằng sau khi nghe chị nói về "niềm riêng" cùa mình?
16/10/201407:18:38
Khách
Đọc hết bài này, tôi thông cảm cho tất cả những người phụ nữ Việt Nam có những niềm riêng mà không sao nói ra được. Bài thật hay và có giá trị.
cám ơn tác gỉa đã viết môt bài có ý nghiã.
15/10/201420:59:37
Khách
Quá hay và quá đúng!
Thành thật cám ơn tác giả đã nói lên hộ "những niềm riêng" của nhiều phụ nữ chúng ta!
15/10/201416:21:31
Khách
Chị nên khuyên những người đàn bà đau khổ này nên tìm một người bạn thân để tâm sự và khuyên bảo. Nếu họ không nói ra được thì những câu chuyện buồn sẽ cầy nát trái tim họ.
Tôi thấy hầu hết bạn tôi qua đây thay đổi rất nhiều, không có cảnh chồng chúa vợ tôi hay ganh tỵ với vợ đâu. Họ đi làm về cũng cũng nấu ăn, rửa chén và ru con ngủ. Riêng tôi, ngoài chăm sóc vườn, rửa xe cho vợ con hằng tuần, tôi vẫn đi chợ, hút bụi nhà và chà cầu tiêu đều chi.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 843,982,264
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.
Nhạc sĩ Cung Tiến