Hôm nay,  

Con Số 13

10/09/201300:00:00(Xem: 120326)
Tác giả định cư tại Mỹ từ 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, tiểu bang New Jersy. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của Song Lam là “Tháng Ba, Trời Đất Vào Xuân,” tự sự của người vợ người mẹ trong một gia đình H.O. 38 năm sau Tháng Tư 1975. Sau đây là bài mới của tác giả, cách nghĩ cách viết cho thấy rõ nét chín chắn, so với những bài trước. Mong tác giả sẽ tiếp tục viết.

* * * * *

Không biết tại sao và từ bao giờ con số 13 lại là con số không may mắn ở Mỹ và các nước Âu Châu; trong khi người Châu Á lại kiêng cử ngày 5, 14, 23 âm lịch. Tôi không quá tin về tướng số, tử vi nhưng phần nào tôi biết rằng có lẽ có một định mệnh nào đó dành sẵn cho mỗi con người hay mỗi dân tộc. Nếu không có định mệnh tại sao người thì giàu "nứt đố đổ vách" còn kẻ khác lại nghèo "rớt mồng tơi"?

Năm 2013 với những biến động chính trị, những tai ương không nhỏ bao trùm thế giới. Riêng ở nước Mỹ, không chỉ là thiên tai, chúng ta còn hứng chịu nhiều nhân tai khủng khiếp xảy ra gần như mỗi ngày ở khắp vùng Đông Bắc, Trung Tây và cực Nam nước Mỹ.

Từ cuối năm ngoái, chỉ mới vào Đông, Bắc Mỹ hứng trọn cơn bão Sandy ở New York, New Jersey với 360.000 căn nhà bị phá hũy, và ngân sách dự trù tái thiết phải đến 38 tỉ Mỹ kim. Viện trợ cho sức người, sức của do cơn bão gây ra, lưỡng viện Quốc Hội Mỹ phải đồng thuận 85 tỉ Mỹ kim.

Vài tuần sau đó, 13/12, ở tại trường tiểu học Sandy Hook School thuộc thành phố Newtown, bang Connecticut lại xảy ra án mạng làm rụng rời bàng hoàng toàn thể nhân dân Mỹ (bao gồm rất nhiều sắc dân tị nạn) với 28 người chết đa số là trẻ em không quá 10 tuổi và các cô giáo ở trường tiểu học này, trong khi hung thủ chỉ là một thanh niên chưa quá tuổi 20. Điều gì khiến xui em trai này cầm súng bắn vào chính người mẹ của mình, sau đó lại xách súng vào trường "phơ" luôn hàng loạt con người vô tội gồm các cô giáo và các em nhỏ thơ ngây? Mọi người đổ lỗi cho bệnh tâm thần dày xéo tâm trí hung thủ. Đó là căn bệnh nhiều áp lực của xã hội hay bắt nguồn từ giáo dục gia đình?

Khi trái cầu rớt xuống ở Time Square New York với hàng trăm ngàn người vui vẻ countdown đếm 4, 3, 2, 1. Happy New Year, chúc mừng năm mới 2013 với những lời chúc may mắn, tốt đẹp hơn năm cũ. Chỉ vài tuần lễ sau, tháng 2/2013, cơn bão tuyết khủng khiếp viếng thăm không báo trước vùng New England với 6, 7 feet tuyết dày đặc, gây khó khăn thật lớn cho giao thông, sinh hoạt hàng ngày cho người dân ở đây.

Tháng Tư mãi còn trong nỗi nhớ, trong nỗi hận không bao giờ nguôi của người Mỹ gốc Việt sau 38 năm Sàigòn đổi chủ. Gần 40 năm làm kiếp người tị nạn, cộng đồng người Việt Nam vẫn đau đáu hướng về vết thương lòng của dân tộc ngày 30/4/75. Nhưng, trước đó đúng hai tuần, cuộc chạy bộ Marathon truyền thống ở Boston lại trở thành cơn bão lửa! Hai thanh niên hiện là sinh viên đại học ở Massachusetts, Boston, gốc Hồi giáo là Tamerlan Tsanaev & Dzhokhar Tsanaev cho nổ hai quả bom tự chế vào rừng người đang vui tươi, reo hò khi người thắng cuộc vừa về đến đích. Tai họa xảy ra trong chớp mắt, như từ trời rơi xuống, đã cướp đi ba mạng sống và hơn 260 người bị thương tật. Người chiến thắng chưa kịp vui mừng, đứa con trai nhỏ vừa chạy ra ôm bố để chia xẻ niềm vui, thì em đã thành người thiên cổ. Định mệnh quái ác nào đã dành sẵn cho họ? Và những người thương tật đó, hiện nay làm gì? Ở đâu? Dù thành phố Boston vẫn sừng sững đứng vững, Boston strong, nhưng định mệnh nào từ bàn tay vô tâm của hai thanh niên trẻ đã đem đến cho họ? Dù Tamerlan đã chết sau đó vài ngày do sự trừ khử của cảnh sát Boston và Dzhokhar bị bắt sống, đang bị giam chờ sự phán xét của toà án với cái án tử hình theo nguyện vọng của nhân dân. Dù hai thanh niên Hồi giáo này đã đền tội, nhưng xét cho cùng, nhân dân Boston, những người lương thiện ấy có tội tình gì?

Tháng 5/2013, mùa hè tới sớm với biết bao sự nô nức của các em học sinh, sinh viên tốt nghiệp ra trường, với những ước vọng thật gần cho tương lai. Mùa này, ở quê nhà, hoa phượng nở đỏ rực, rợp bóng sân trường. Những con đường quen thuộc của Sàigon có còn đỏ rực loài hoa sắc màu lộng lẫy đó không? Ôi những chùm hoa kỷ niệm ngày xưa đầy ắp trên giỏ xe đạp, hay trân trọng ép vào trang vở dành tặng cho nhau với tình yêu e ấp đầu đời!

Ở Cali, chúng ta không thấy phượng đỏ, chỉ có loài phượng tím mong manh, khiến ta nhớ lại bao kỷ niệm buồn vui tuổi nhỏ, mà tâm hồn bâng khuâng chi lạ! Hoa phượng chỉ còn trên trang lịch, trong trí nhớ, trong dĩ vãng rưng rưng buồn...

Tháng 5/2013 đất trời lại thêm một lần nổi giận: trước tiên Tonado viếng thăm Kansas, thành phố Wichita, sau đó, hùng hổ xông vào thành phố Moore, Oklahoma ngày 18 và 19/5/2013. Cơn lốc điên cuồng cuốn trôi 12.000 căn nhà, hủy hoại cuộc sống thanh bình của nhân dân, khiến 33.000 người lâm vào cảnh màn trời chiếu đất. Sự thiệt hại phỏng đoán hơn 3 tỉ Mỹ kim. Điều chúng ta muốn ghi nhận ở đây, như một ánh sao rực sáng giữa đêm tối mênh mông, đó là cô giáo trẻ Việt Nam Jennifer Đoàn, 30 tuổi, tại trường tiểu học Plaza Towers tại thành phố Moore, Oklahoma. Cô giáo Đoàn đã dùng chính xác thân mình che chắn cho các em nhỏ học sinh ở gần mình nhất, trong lúc nguy hiểm nhất, mà không kịp nghĩ cái chết sẽ đến với mình. Nhưng một thân cô làm sao bảo vệ hết được các em? Cô Đoàn đau đớn biết bao nhiêu vì cô chỉ cứu được hai em, trong khi bảy em khác của cô không còn hơi thở! Và cô Đoàn bị thương tật hết sức trầm trọng, điều đó thật dễ hiểu.

Trong các cận ảnh được loan tải qua truyền hình Mỹ, truyền hình Việt Nam ở Cali, cô giáo Đoàn được chữa trị bằng những thành tựu y khoa tân tiến bậc nhất. Mặc dù bị ràng rịt bằng đủ thứ, băng bó đầy mình, cô Đoàn đã đứng lên được một tuần sau đó như biểu tượng của Oklahoma thành phố hồi sinh. Tổng thống Barack Obama đến Oklahoma ngày 26/5/13 để thăm viếng, an ủi, hỗ trợ nhân dân Oklahoma, trong đó có cô giáo Đoàn.

Như tình mẹ lúc nào cũng bảo bọc, che chở cho con, sự hy sinh của cô giáo Đoàn, được cộng đồng Việt Nam khắp nơi yêu quý, cảm phục. Nỗi xúc động lẫn khuất với niềm hãnh diện của người Mỹ gốc Việt khi nghĩ đến cô giáo trẻ này, vì cô đã làm được công việc hữu ích cho cộng đồng Mỹ, ít nhiều mang tính cách "đền ơn đáp nghĩa" nước Mỹ đã cưu mang cả triệu người Việt Nam vượt biển, hoặc bằng cách này, cách khác, đã sinh sống, phát triển ở xứ này gần 40 năm qua.

Như phần đầu, người viết đã thưa với quí vị về con số 13, đó là con số không may mắn. Hình như cũng có phần đúng, vì chỉ vài ngày sau đó, 23/5 ở Washington State lại xảy ra một vụ không hay: đó là cây cầu 4 làn xe nối liền Seattle và Vancouver bị sập một cách bất thường tại Skagit County, Washington State. Rất may không có ai thương vong, nhưng cũng là một thông điệp báo động rằng1/4 cầu ở Mỹ này đang cần sự tu bổ, sửa chữa.

Tháng Sáu. Hình như bao nhiêu lửa trời đều đổ xuống vùng này. Những ngày hè rực rỡ ngày dài hơn đêm, sức nóng có khi lên vượt 100 độ ở miền Đông Bắc, Tây Nam nước Mỹ. Caili cứ "lụi đụi" với những trận cháy rừng liên tục, và hình ảnh người lính cứu hỏa bật sáng với sự hy sinh dũng cảm không thua gì những anh hùng hy sinh ngoài mặt trận. Đầu tháng 6, bốn người lính cứu hỏa hy sinh ở Houston, Texas. Và trận cháy rừng dữ dội không dập tắt nổi ở Arizona khiến cho 19 người lính cứu hỏa thật chuyên môn trong nghiệp vụ cũng phải tử thương.

Hình ảnh 19 người lính cứu hỏa hy sinh ở Arizona làm se lòng nhân dân Mỹ và nhân dân thế giới. Đã từ rất lâu, khi còn là học sinh trung học, tôi cứ thắc mắc về chuyện này. Tại sao mọi người không gọi là thợ chữa lửa như thợ kim hoàn, thợ may, thợ nề, thợ xây dựng... mà gọi là "lính": lính chữa lửa. Tiếng Việt quả thật diệu kỳ! Phải chăng mặc nhiên mọi người công nhận rằng đây không phải là một "nghề" mà là một "sứ mạng", một thiên chức đòi hỏi sự hy sinh? Họ là những người lính không mang súng!

Từ câu chuyện này, chúng ta chắc cũng ngậm ngùi nhớ lại những người lính cứu hỏa đã hy sinh trong cuộc khủng bố 911. Tháng 9- 2013 đánh dấu đúng 12 năm vụ nước Mỹ bị khủng bố tấn công ngày 11 tháng 9-2001: Twin Towers với hàng ngàn người chết tức tưởi, oan uổng, trong đó hàng trăm người lính cứu hỏa hy sinh. Ground Zero hiện nay ở New York là chứng tích bi thảm, trầm thống chôn vùi biết bao nhiêu mạng sống của biết bao người, bao gồm nhiều sắc dân trên thế giới.

Con số 13 không chỉ là con số bất an tìm thấy ở Mỹ mà còn có mặt ở các nước Á Châu, Đông Âu. Ngay từ những tháng đầu của năm 2013, Australia hứng mấy trận lụt lội kỷ lục. Rồi ở Philippine, lụt lội giết hại hàng trăm con người, phá hủy hàng ngàn đê điều nhà cửa. Ở Trung Quốc, việc sụp lở hầm mỏ, lụt lội xảy ra như cơm bữa. Ngày 6/7 Phi cơ Nam Hàn Asianna rơi ngay góc phi trường San Francisco với hai người chết, mấy chục người bị thương, nghe đâu hai thiếu nữ bạc mệnh ấy từ China sang Mỹ du học.

Một sự kiện nổi bật được cộng đồng người Việt quan tâm nhiều nhất, đó là chuyến công du của Chủ tịch Cộng sản Việt Nam Trương Tấn Sang chính thức gặp gỡ Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 25/7/13. Ông Sang đi Mỹ không coi ngày nên cả "bầu đoàn thê tử" của ông với cà-vạt, vét-tông đầy đủ mà đi không rồi lại về không. Đó là chưa kể sự bẽ bàng của phái đoàn này khi được tiếp đón một cách lạnh lùng, tẻ nhạt ở một phi trường quân sự không kèn không trống. Phái đoàn của nhà nước cộng sản Việt Nam được đồng bào hải ngoại người Mỹ gốc Việt "chào đón" bằng cách la ó phản đối vang trời với rừng cờ vàng rực rỡ một góc trời Washington D.C. đối diện với tòa Bạch Ốc. Đây là cuộc gặp gỡ "trật nhịp" hay là "trật bàn đạp" mà phái đoàn Cộng sản Việt Nam rước về nhà ván cờ thua trông thấy. Báo chí hải ngoại an ủi: "Thua rồi, anh Tư ơi!"

Con số 13 không chỉ vận vào phái đoàn anh Tư sang Hoa Kỳ, mà cũng chính ngày này 25/7/13 tai nạn xe lửa thảm khốc xảy ra ở Tây Ban Nha. Con tàu nối liền Madrid và Ferrol bất ngờ với tốc lực không cho phép đã tông thẳng vào vách tường đá gây thương vong cho 77 người và 125 người khác bị thương.

Ngày đầu tiên của tháng 8, sự việc Edward Snowden làm nước Mỹ nổi giận. Nga đồng ý chứa chấp cho Snowden lưu lại Nga một năm. Tin này được báo chí, truyền thanh, truyền hình thế giới phổ biến rộng rãi, gây bẽ bàng cho toàn thể nhân dân Mỹ, nhất là người Mỹ. Chính vì điều đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama không gặp Tổng thống Nga là Putin tại Hội nghị Thượng Đỉnh G20 được khai mạc vào cuối năm nay. Vấn đề thực sự thấy rõ vì Putin cho Snowden "đăng ký tạm trú" một năm ở Nga, thay vì phải trục xuất, dẫn độ đương sự về Mỹ để trả lời cho sự phản bội.

Thời tiết miền Đông Bắc giờ này đã có chút thay đổi. Vẫn nắng, vẫn nóng. Nhưng gió nhẹ bắt đầu lay động hàng cây xanh mướt mùa hè, với buổi sáng se lạnh hơi thu. Cali đang có trận cháy rừng dữ dội chưa bao giờ có ở National Park, Nhật Bản lại mưa lụt lớn ở Lake Tazawa thuộc tỉnh Semboku, Akita. Trong lúc này ở Phi Luật Tân lại có thêm cơn bão Utor ở đảo Luzon, phía bắc với 109 miles/giờ, thật là khủng khiếp!!

Cuối tháng 8, mùa thu thập thò trước cửa, chúng ta lại nghe tin cháy lớn ở nhà thờ Massachusetts, và đặc biệt nhất là vụ bạo động về vũ khí hóa học ở Syria. Hàng loạt nhân dân Syria gồm đủ mọi lứa tuổi bị giết làm cho cả thế giới bàng hoàng.

Chúng ta đã trải qua hai phần ba của năm này. Con số 13 không được may mắn chỉ còn lại một phần ba. Bốn tháng còn lại có gì tốt đẹp đến với thế giới, đến với nước Mỹ chúng ta không? Không thể nào biết được! Năm nay thế giới đã hao tốn sức người sức của vô kể. Theo thống kê, kể đến thời khắc này, thế giới đã "buông tay" 85 tỉ Mỹ kim vì thiên tai, riêng nước Mỹ với Tonado ở Oklahoma đã nuốt chửng 4,5 tỉ đô la. Năm 2013, những biến động chính trị xảy ra hàng ngày, những thương vong xảy ra hàng giờ trên trái đất này. Truyền thông thế giới đồng loạt đề cập cuộc bạo động ở Ai Cập, ở Cairo với những cảnh cận chiến đẫm máu. Trong tháng Bảy, tháng Tám, người chết lên đến 850 người. Theo thống kê chưa chính thức, số người dân thương vong ở Ai Cập trong việc lật đổ Tổng thống dân cử có thể lên đến con số 2.000 người. Cuộc bạo động xảy ra hàng ngày đến nổi thế giới phải lên tiếng can thiệp. Quốc Hội Mỹ đề nghị Tổng thống Obama suy nghĩ lại về vấn đề viện trợ cho Ai Cập mỗi năm một tỉ rưỡi Mỹ kim. Bây giờ lại tới Syria, Mỹ sẽ có phản ứng trong cuối tháng Tám. Thế giới một phen nữa đau đầu!

Mùa thu đã gần kề và mùa đông sẽ đến. Một năm sẽ trôi qua thật nhanh. Người già, như người viết, sẽ già thêm một tuổi, chất chồng thêm một tuổi lo âu. Hy vọng năm 2014 sẽ có nhiều may mắn hơn năm cũ cho thế giới, cho nhân loại, cho nước Mỹ chúng ta. Máu đã đổ quá nhiều, người ta sẳn sàng bắn giết nhau, những quả bom chực chờ nổ đâu đó vì ngọn lửa căm thù vẫn còn hừng hực cháy nóng trong tim của phe phái đối nghịch về tôn giáo hay chính trị. Bao giờ mọi người trên thế giới này sống với nhau bằng chính trái tim mình, chia xẻ mọi khó khăn của cuộc sống này bằng tình người ấm lạnh?

Cho dù chúng ta khác biệt về hoàn cảnh xã hội, hoàn cảnh gia đình, khác biệt về tuổi tác hay về thiên kiến chính trị, nhưng chúng ta có cái chung là cộng đồng người Mỹ gốc Việt đã chịu ơn nước Mỹ, người Mỹ gần 40 năm qua. Chúng ta là người tị nạn nhưng không có nghĩa là người ở trọ. Không chỉ là một sớm, một chiều mà người Việt Nam đã sinh sống thành đạt ở nước Mỹ này gần nửa thế kỷ rồi. Vì thế, những thành tựu cũng như sự mất mát đau buồn xảy ra ở xứ sở này, chúng ta cũng dự phần chia xẻ, trân trọng cưu mang.

Trong chừng mực của niềm hy vọng về tương lai rất gần, người viết chỉ mong được cùng bạn đọc khắp năm châu cầu nguyện cho thế giới hòa bình, cũng như chúng ta hãy cùng nhau tha thiết cầu xin Thượng Đế: "God bless America!"

Tháng 8/2013
Song Lam

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 843,976,253
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.
Nhạc sĩ Cung Tiến