Hôm nay,  

Viết Về Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh

21/08/201200:00:00(Xem: 163908)
Hai bài viết của Khôi An và Mai Hồng Thu

Bài 1. “Đơn Giản, Khiêm Cung, Mà Tự Tại”

Tác giả: Khôi An
Bài số 3658-13-29058vb3082112

Tác giả đã nhận giải Giải Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ 2010. Đến Hoa Kỳ năm 1984, Khôi An hiện là cư dân Bắc California. Nghề nghiệp: kỹ sư điện tử tại Intel. Sau đây là bài cô mới viết về nhà báo Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh.
khalanhgiai
Khôi An nhận giải từ giám khảo Bồ Đại Kỳ, bên cạnh là vị chánh chủ khảo đầu tiên của giải thưởng.
Ngày 12 tháng 8, 2012, trong lễ phát giải Viết Về Nước Mỹ, tôi ngồi cạnh Phương Dung. Buổi lễ sắp bắt đầu, hai người điều khiển chương trình đã lên đứng trước sân khấu… Bỗng Phương Dung ghé tai tôi nói nhỏ “Bác Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh mới mất sáng nay!” Như không tin ở tai mình, tôi quay lại, trợn tròn mắt “Trời ơi! Vậy sao?” Phương Dung gật đầu “Chú Từ và cô Nhã cũng shocked lắm. Một lát nữa khi phát giải xong sẽ có phần tưởng nhớ…”

Hai tiếng sau, lắng nghe chú Trần Dạ Từ nói về nhà báo Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh, tôi mới biết là trong cuộc đời 91 năm, ông đã có 74 năm làm báo. Hai ngày trước, khi biết mình không khỏe, không thể về dự lễ phát giải Viết Về Nước Mỹ, qua điện thoại ông còn nhờ chuyển tới buổi họp mặt lời chào quan khách, thăm hỏi các tác giả, và chúc tất cả một buổi chiều thật vui.

Ông ra đi rồi tôi mới biết ông ở ngay San Jose, thành phố tôi đã gần gũi trong suốt hai mươi tám năm sống trên đất Mỹ. Tiếc là ở gần như vậy mà tôi không có duyên để được quen biết ông. Tôi chỉ đọc nhiều bài của ông, nghe nhiều về ông như một nhà báo lão thành, nổi tiếng không những về kiến thức, kinh nghiệm mà còn về đức độ. Tôi còn nhớ tháng 8 năm 2007, trong một buổi chiều đi làm về, tôi đã nghe ông nói chuyện trên một đài phát thanh ở San Jose về buổi ra mắt tác phẩm “Những Mùa Xuân Trở Lại.” Giọng Bắc của ông thanh tao, rõ ràng, ý tưởng ông trẻ trung và đầy sức sống. Đầy sức sống như tên quyển sách của ông, như lời ông nói “Xuân là mùa của hy vọng có những tin vui, những sự tốt lành của năm mới. Trong tinh thần đó, tôi lựa ra những bài tôi đã viết về mùa Xuân kể từ khi đến định cư tại nước Mỹ để tạo thành tuyển tập này.” Bây giờ tôi mới biết lúc đó ông đã 87 tuổi.

Tôi cũng biết ông là trưởng ban tuyển chọn đầu tiên của giải thưởng Viết Về Nước Mỹ. Trong diễn văn khai sinh giải thưởng, ông đã ví người Việt ở khắp nơi trên thế giới như “Những Phấn Hoa Tản Khắp Phương Trời.” Một so sánh chính xác và đẹp như thơ!

Khi tôi tham dự Viết Về Nước Mỹ 2009 thì ông đã giao lại chức chánh chủ khảo cho chú Nguyễn Xuân Nghĩa, ông chỉ còn giữ nhiệm vụ cố vấn cho giải thưởng. Có lẽ vì thế mà tôi ít có dịp gần gũi với ông. Và dù tôi gọi các thành viên gia đình Việt Báo là cô, chú, anh, chị, em, tôi chưa bao giờ gọi ông là “bác Khánh”.

Tôi nhớ khi tôi bước lên sân khấu lãnh giải năm 2010, ông đã trao giải cho một người trước tôi. Ông đứng đó với nụ cười hiền. Dáng ông cao gầy trong bộ vest màu nhạt, tóc ông bạc trắng. Nhưng trong buổi tiệc sau đó, vì thấy mình nhỏ bé, tôi đã không đến nói chuyện với ông. Tôi chỉ đứng nhìn từ xa xa…

Và năm 2011 cũng vậy. Vẫn bộ vest màu cà phê sữa nhạt nhưng “điệu đà” hơn với chiếc cà vạt đỏ, trông ông mảnh khảnh nhưng trẻ trung theo cách rất riêng. Và những lời nói ngắn của ông khi trao giải Việt Bút cho cô Bảo Xuân cũng vẫn đầy những nhắn nhủ và kỳ vọng cho tương lai văn hóa Việt. Lần đó, tôi cũng vẫn chỉ đứng nhìn từ xa.

Như thế đó, tôi đã biết về Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh như một độc giả biết về một nhà báo vào bậc kỳ cựu nhất, như một người đọc thưởng thức tác phẩm của người viết sách, như một người nghe học hỏi từ người diễn giả, như một tác giả Viết Về Nước Mỹ biết về người đặt viên gạch đầu tiên cho giải thưởng này. Nhưng tất cả chỉ là những quý trọng từ xa…

Cho đến khi tôi đọc bài viết của Mai Hồng Thu tức cô bạn Donna.

Donna kể rằng năm 2011 đã gặp ông trên cùng chuyến xe đò Hoàng trở về từ giải Viết Về Nước Mỹ. Chỉ một chuyện nhỏ thôi, nhưng nó lại dấy lên trong lòng tôi niềm cảm mến sâu xa. Tấm lòng của ông đáng kính biết bao. Một nhà báo nổi tiếng, cựu chánh chủ khảo Viết Về Nước Mỹ, đã lẳng lặng đáp xe đò đi tham dự. Đơn giản, khiêm cung mà tự tại, không lệ thuộc vào ai. Trong khi đó, bao người trẻ - như tôi - chê ngăn sông cách núi, ngại đau lưng tê cẳng khi ngồi xe, đã ngần ngừ than thở mỗi khi có chuyện đi Nam… Ngay cả sự sắp xếp của Việt Báo, bây giờ tôi mới hiểu, cũng nói lên phong cách trân trọng mà khiêm cung của ông. Ông mất lúc 8 giờ 15 phút buổi sáng. Đúng giờ này vào buổi chiều, tin buồn được công bố, sau khi các tác giả đã chia sẻ những giải thưởng, và sau lời nhắn gửi thăm hỏi, chúc vui của ông dành cho buổi họp mặt.

Sau khi ông đi rồi tôi mới biết chuyện chuyến xe đò năm ấy. Tìm hiểu thêm, tôi biết rằng cho đến cuối đời ông vẫn ở một mình trong căn chung cư gần khu Lion Plaza. Khu Lion Plaza mà tôi đã lui tới không biết bao nhiêu lần, tiếc là chưa bao giờ được ghé thăm ông. Thời gian ông sống một mình chắc cũng đôi khi quạnh quẽ, vậy mà tôi không có đủ nhân duyên để mời ông một ly cà phê, để “bác” và “cháu” cùng nhâm nhi, nhìn xe cộ ngược xuôi rồi chia sẻ về những khắc khoải cho quê hương, về những kỳ vọng cho tương lai văn hóa Việt.

Tôi tìm thấy trên internet: lời nhà báo Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh nhắn nhủ “khi viết không phải chỉ viết bằng tay mà còn viết bằng cả con tim…” Vui thay, đây cũng chính là tâm tình của tôi trong mọi bài viết từ trước tới giờ. Như thế, dù chưa từng làm học trò ông, tôi cũng đã gặp gỡ ông trong bài học quan trọng mà ông muốn lưu lại cho thế hệ tiếp nối.

“Khi bạn sinh ra, bạn đã khóc khi mọi người chung quanh cười vui. Hãy sống như thế nào để khi bạn ra đi, chung quanh ai cũng khóc trong khi bạn được mỉm cười.” (*) Tôi tin rằng ông Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh đang thanh thản mỉm cười.

Và bài này tôi không viết để vinh danh một nhân vật nổi tiếng trong giới truyền thông Việt Nam. Điều đó những văn, thi sĩ, ký giả đã biêt nhiều về ông trong 74 năm qua chắc chắn làm tốt hơn tôi. Tôi chỉ viết để tỏ lòng tiếc thương, ngưỡng một cụ ông tóc bạc mắt hiền, đi bộ từ nhà ra bến xe, rồi ngồi xe đò xuôi Nam, ngược Bắc. Hết thảy hơn 14 tiếng đồng hô. Để cùng họp mặt với Việt Báo Viết Về Nước Mỹ. Lần cuối cùng, khi ông 91 tuổi.

Khôi An

Chú thích:
(*) Câu nói khuyết danh “When you were born you were crying and everyone around you was smiling. Live your life so that when you die, you're the one smiling and everyone around you is crying.”

* * *
Bài 2. Ông Cụ Đi Xe Đò Hoàng

Tác giả: Mai Hồng Thu
Bài số 3659-13-29059vb3082112

Mai Hồng Thu là tên Việt của tác giả Donna Nguyễn, người đã góp nhiều bài viết về nước Mỹ, từ nay là bút hiệu. Cô là dân Sài Gòn, sang Mỹ năm 1985, từng sống ở vài tiểu bang như Indiana, New York, Connecticut, California.

Hôm qua, nghe chị Iris kể về buổi họp mặt phát giải Viết Về Nước Mỹ vừa rồi rất vui, nhưng lại có một tin buồn là nhà báo Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh, 92 tuổi, đã qua đời ngay vào sáng hôm ấy.

Nghe vậy, tôi tự hỏi thầm trong lòng "không biết ông có phải là người đã đi xe đò Hoàng năm ngoái dự lễ và ngồi cùng xe với tôi và chị Iris trong chuyến về San Jose sáng thứ Hai không nữa."

Khi chị Iris cho biết người đó chính là cụ Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh, thì tôi cảm thấy mình tầm thường và nhỏ bé quá.

Dù đã 90 tuổi, mà ông vẫn vui vẻ hăng hái theo xe đò đi dự buổi họp mặt Viết Về Nước Mỹ. Riêng tôi, chắc sống ở Mỹ quen nhàn hạ, đi xe đò thì ngại trước lo sau, cứ sợ say sóng nhức đầu, chị Iris trấn an mãi mới dám liều một chuyến.

Ngồi nghĩ đến ông cụ, một người không thân không quen, chỉ nghe danh, và có lẽ cũng gặp mặt thoáng qua có một lần, đi chung một chuyến xe đò... thế mà lòng tôi vẫn chùng xuống khi nghe tin, bần thần xao xuyến đến lạ lùng.

Tôi nhớ lại hình dáng ông trên chuyến xe đò năm trước. Lúc ấy, trông ông cao, gầy nhưng vẫn nhanh nhẹn, minh mẫn lắm. Ông cụ 90 tuổi ấy rõ ràng là rất vui vẻ, hăng hái khi “đu xe đò Hoàng” xuôi nam họp mặt Viết Về Nước Mỹ năm 2011.

Tôi biết ông cụ là vị chánh chủ khảo trong ba năm đầu của giải thưởng này, từ 2000 tới 2002. Nhưng tôi cũng biết, đây là loại công việc bất vụ lợi, hiểu theo nghĩa nôm na là chẳng mang lại đồng thù lao nào. Những cuộc họp mặt này cũng chẳng thể mang thêm chút danh tiếng nào cho người đã thừa danh tiếng như ông cụ, một bậc thầy của làng báo.

Tiền bạc đã không, danh tiếng cũng không, vậy mà bao năm qua, ông cụ vẫn chẳng hề ngần ngại đu xe đò về dự buổi họp mặt với đám tác giả tay mơ viết về nước Mỹ. Điều gì đã khiến ông cụ vất vả vậy, nếu không phải chính là do tấm lòng của lớp người đi trước muốn bồi đắp các thế hệ tương lai, giống như cha mẹ tận tuỵ lo lắng cho con cái.

Nhìn ông, tôi bỗng nhớ tới ông ngoại tôi ngày xưa, tuổi đã ngoài tám mươi nhưng vẫn say mê đọc truyện Tây Du Ký và ngâm thơ vanh vách, tiếng cười vẫn sang sảng đầy sức sống, và không ngừng lo lắng chăm sóc đám con cháu.

Tôi nhớ lại nỗi buồn, ngày ông ngoại mình đã qua đời ở Việt Nam nhưng tôi không về chịu tang được. Hôm nay mặt trời vẫn mọc, trái đất vẫn xoay, những chuyến xe đò, xe tải vẫn vào đường dài, người còn lại vẫn phải sống, nhưng những người có bao nhiêu kỷ niệm với ông, có lẽ sẽ đau đớn thẫn thờ, xót xa lắm.

Đám tang của nhà báo Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh sẽ được cử hành vào ngày Thứ Tư tuần này tại San Jose. Tôi đã yêu cầu chị Iris, nếu có tin tức chi tiết thì xin gởi email ra để những ai có muốn đến viếng lần cuối cũng có thể biết giờ giấc mà sắp xếp.

Tang lễ sắp tới của nhà báo lão thành cũng làm tôi nhớ một đám tang khác, thuộc lớp tuổi trẻ hơn, khoẻ hơn.

Trước ngày lễ Memorial năm nay 1 tuần, một người quen trên phố rùm báo tin buồn, con trai chị đã qua đời đột ngột vì cháu đã chọn lấy việc tự kết liễu đời mình. Tang lễ đã được cử hành ở nghĩa trang Oak Hill. Một số người quen biết trên phố rùm, dù đã thân hay chưa từng trò chuyện, ngoài việc gom góp phúng điếu, cũng đã xấp xếp thời gian đến chia buồn cùng chị. Từ ngày đến Mỹ, tôi chưa từng đi dự một đám tang nào, ngoại trừ một lần theo người bạn làm công quả cho chùa, đi đọc kinh cầu siêu cho người đã mất. Hôm ấy tôi lo đọc kinh đến trẹo cả lưỡi nên đâu còn tâm trí để ý đến quang cảnh chung quanh. Xong việc là tôi lo kiếm nước uống, kiếm chỗ nghỉ chân rồi mau mau dông về nhà....để thở cho bớt sợ.

Lần này đến chia buồn cùng "người tóc bạc tiễn người tóc xanh".

Khi đến viếng thăm nhà quàn lần đầu tiên, tôi chỉ lẳng lặng ngồi nghe chị kể lại những chuyện buồn, dẫn đến nguyên do vì sao cháu trai quyết định tự kết thúc mạng sống của mình.

Vừa nghe chị kể chuyện với chúng tôi, vừa nhìn lên màn hình đang chiếu slide show chuyển tiếp những tấm hình của cháu đang vui tươi từ lúc còn bé, cho đến lúc trưởng thành, tôi đã nghe như tim mình đang nhói đau tan từng mảnh vụn vỡ. Bởi vì tôi cũng là người mẹ có con ở tuổi vừa học xong đại học, khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm. Tôi hiểu được tâm trạng của những bậc sanh thành mong chờ ngày con mình thành tài, tự lập.

Chị kể cháu là một học sinh giỏi, đã tốt nghiệp điểm cao từ trường danh tiếng Standford nhưng mới bỏ việc vì có nhiều điều không được như ý. Cuộc sống tình cảm trai gái của cháu cũng hơi buồn, vừa chia tay bạn gái khi mới ra trường. Dù cha mẹ ly dị bỏ nhau cũng đã mấy năm qua rồi. Việc này cũng còn ảnh hưởng đến tâm tình của cháu rất nhiều. Nhưng cháu vẫn cố gắng tiếp tục học hành không bê trễ. Chị kể cháu là người luôn sống nội tâm, hiền lành, không đòi hỏi và luôn luôn sống mẫu mực, có trách nhiệm với mọi người chung quanh. Tôi vừa nghe, vừa ngắm những hình ảnh, những nụ cười của cháu đang nhảy nhót trên màn hình mà không cầm được nước mắt. Vậy thử hỏi cha mẹ, các em và những người thân của cháu còn đau đớn đến thế nào.

Chị nói rằng sau một thời gian cháu đi học đại học và ở riêng, rất ít chịu liên lạc với gia đình. Sau này nghe đứa em họ mét lại là cháu có dấu hiệu lạ, có thể là bị bệnh trầm cảm, nên chị đành đi kiếm và năn nỉ cháu về sống chung mới mẹ. Cháu về sống với mẹ được hai ba tháng, đã chịu đi bác sĩ và uống thuốc đều đặn. Thế mà không ngờ, trong thời gian chị phải đi ra tòa đóng tiền vi phạm vì lái xe nhanh, cháu trai ở nhà đã tự nhốt mình trong xe, khoá trái xe, bịt hết các lỗ thông hơi, đốt than tự kết liễu cuộc sống của mình.

Khi chị về, gọi cảnh sát tới, thì cháu đã ra đi lâu lắm rồi, không còn cứu được nữa. Ngày chị lên phố rùm báo tin chẳng lành, dù chỉ gặp nhau có một lần, nhưng tôi cũng thấy bàng hoàng, thẫn thờ cả buổi. Đến ngày hôm sau, nhằm ngày lễ Memorial day nên nhiều người quen thân với chị, lỡ mắc bận gia đình phải đi xa, chỉ có một ít người đến dự tang lễ, an ủi tinh thần chị. Nghe em gái cháu và đứa em họ lên đọc bài tiễn đưa, những người xa lạ như tôi cũng không cầm được nước mắt, tiếc thương cho một người tuổi trẻ đã ra đi không bao giờ trở lại. Có chia ly có tử biệt, bạn mới thấy sự sống là tất cả, là ơn phước.

Lâu nay tôi vốn dĩ rất sợ nhìn thấy xác chết, cảnh chia ly, nhưng cũng đành phải ráng đến xem có giúp chị được gì không thì giúp. Sau khi các thầy cô tụng kinh siêu độ, thì mọi người xếp hàng cầm hoa đến nhìn mặt cháu lần cuối. Không biết làm sao trong hoàn cảnh này, nên tôi cũng đành phải xếp hàng đi theo. Nhìn thoáng qua gương mặt cháu, với nét phấn son trên mặt, tôi không biết cháu có ra đi thanh thản không, nhưng gương mặt cháu có nét khắc khổ, đau đớn gì đó vẫn còn vương. Nhìn chị đau xót kêu gào, chúng tôi đành phải theo sau ráng nhắc nhở chị bớt khóc, để linh hồn cháu không bị vương vấn như những người đạo Phật thường hay nói. Đoàn người kéo đuôi nhau rời khỏi nhà quàn, đi theo sau quan tài đưa cháu đến phòng hỏa thiêu. Tôi phụ cầm theo lư hương, vừa theo sát người mẹ, vừa đỡ vai cho chị vững bước ráng mà đi.

Khi quan tài được đặt ngay ngắn trước cửa lò thiêu thì mọi người phải đứng dang ra hai bên. Những người khiêng quan tài phải tháo bao tay ra, đặt lên quan tài cùng với bó hoa. Mọi người có khoảng 5, 10 phút để quyến luyến, xót xa rồi người ta từ từ mở cửa lò đẩy quan tài vào, đóng cửa lại, kéo khóa xuống, bấm nút đỏ start.

Thế là xong....đã qua một kiếp người.

Chỉ còn người ở lại, nước mắt lưng tròng, hụt hẫng. Sau bữa đó, tôi đã biết dặn lòng, phải nhớ luôn trân quý sự sống. Tôi cũng tự hỏi phải làm sao cho những người thân thương quanh mình, đặc biệt là lớp tuổi trẻ con cháu trưởng thành ở Mỹ, biết trân quí sự sống, nhất là khi phải đối đầu nghịch cảnh.

Thứ Tư tuần này sẽ là tang lễ của cụ Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh, không biết tôi có dịp theo chị Iris đi chia buồn không. Những giọt nước mắt của ai sẽ rơi? Mà giờ thì riêng tôi thì trong đầu óc vẫn còn lảng vảng đâu đây, thấp thoáng bóng hình của ông cụ trên chuyến xe đò năm ngoái.

Bỗng nhiên tôi nghĩ, và tôi tin, những người tuổi trẻ chắc chắn sẽ mạnh mẽ hơn, khi họ hiểu được ý nghĩa việc cha ông chúng ta tận tụy lo cho tương lai con cháu ra sao, qua qua hình ảnh ông cụ nhà báo đu xe đò Hoàng. Việc làm cho họ hiểu được điều này hình như chính là một trong những mục tiêu việc Viết Về Nước Mỹ mà ông cụ đã dầy công vun bồi.

Hình bóng ông cụ như phảng phất rất nhiều thứ khó tả của quê hương, cội nguồn, mà khi vô tình bắt gặp, đã khiến những người chưa quen như tôi cảm thấy lòng ấm áp rất nhiều khi nghĩ đến hai chữ Việt Nam.

Tôi xin góp lời cầu nguyện, cho ông luôn mỉm cười thanh thản, để những người đến tiễn đưa ông còn giữ mãi trong lòng... những kỷ niệm của một thuở nào đó, về một con người luôn đứng thẳng trước mọi bất công xã hội, ngòi bút không bao giờ bị bẻ cong trước cường quyền.

Mai Hồng Thu

Ý kiến bạn đọc
24/08/201220:34:18
Khách
Cám ơn chú Sáu đã đọc bài viết của Khôi An & Mai Hồng Thu, rồi còn để lời khen.
Từ ngày trang vietbut đóng, rất nhớ thời gian chú Sáu đã ùng hộ hết lòng.
Mong đọc thơ chú, nhớ gởi cho nhóm, chú nhé.
22/08/201213:51:49
Khách
Hậu duệ của nước Việt Nam ở Mỷ mà có nhửng tấm lòng viết như vầy thì cụ Sơn Điền theo tôi nghỉ cũng sẻ rất vui lòng nơi chín suối . Cảm ơn người viết đã diển tả được quá hay và rất cảm động .
21/08/201220:03:16
Khách
Chào hai cháu Khôi An va Thu,
Bài viết của hai cháu về sơn điền Nguyễn Viết Khánh rất cảm động. Chú nghĩ chắc ông ấy là người rất đặc biệt nên viết như thế là rất xứng hợp. Chẳng may là chú không gặp ông ấy được.
Hai bài viết cũng có những nhận xét sâu sắc về cuộc sống rất đáng kể.

Chú Sáu
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,014,850
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.
Nhạc sĩ Cung Tiến