Hôm nay,  

Chiếc Kính Vạn Hoa Và Ba Tôi

17/06/200900:00:00(Xem: 121085)

Chiếc Kính Vạn Hoa và Ba Tôi

Tác giả: Tấn Quân
Bài số 2645-16208722- v461709

Tác giả tên thật Nguyễn Tấn Quân, 45 tuổi, cư dân Oklahoma City, OK, hiện là General Ledger Accountant, làm việc tại The Board of Education of Oklahoma. Đã dự Viết Về Nước Mỹ từ 2007. Sau đây là bài viết thứ năm của ông, nhân mùa Father’s Day.

***

Giống như phần lớn những người con Á Đông đối với bậc Cha Mẹ, bao giờ đứa con cũng cảm thấy gần gũi với người Mẹ hơn người Cha, tôi cũng nằm trong cái phần không ngoại lệ đó, một phần có lẽ người Cha đi ra ngoài làm việc kiếm tiền nên không còn nhiều thời gian dành cho con cái như người Mẹ luôn quán xuyến việc gia đình. 
Sinh ra trong giai đoạn đất nước chiến tranh, tôi quen dần với cái hình ảnh  Ba tôi trong bộ quân phục sĩ quan VNCH, từ lúc sáng sớm cho đến chiều tối.  Thời gian học những lớp cuối bậc tiểu học va ølớp đầu bậc trung học tôi được nhà trường sắp lớp cho học vào buổi chiều, các anh chị em tôi đều đi học vào buổi sáng, vì vậy mỗi sáng thức dậy nhiệm vụ của tôi thường phải đi mua đồ ăn sáng cho Ba Mẹ.  Mẹ tôi luôn dậy sớm đưa tiền cho tôi và dặn hôm nay phải mua món ăn gì, có khi tôi chỉ đi bộ loanh quanh các quán hàng bán điểm tâm cạnh nhà, cũng có khi phải chạy xe đạp khoảng đường hơi xa một chút ở các khu phố lân cận, thức ăn điểm tâm ở Việt Nam cũng chỉ xoay quanh những món thông thường như phở, hủ tiếu Nam Vang, hủ tiếu Mỹ Tho, mì hoành thánh, bánh cuốn, bánh mì thịt nguội hoặc thịt bò kho, cơm tấm, cháo lòng… 
Buổi sáng các điểm bán đồ ăn đều đông nghẹt luôn phải chờ đợi cho nên khi tôi mang đồ về nhà đã thấy Ba tôi mặc quân phục ngồi sẵn trên bàn ăn với ly cà phê nóng, ông chỉ kịp ăn vội vã và uống thêm vài ngụm cà phê rồi ra xe đi làm.  Gần 12 giờ trưa lại thấy Ba tôi trở về dùng cơm trưa, sau đó để nguyên bộ quân phục trên người nằm ngả lưng trên ghế bố chợp mắt vài mươi phút rồi ngồi dậy rửa mặt hoặc chải lại mái tóc qua loa, hút một điếu thuốc xong ra xe đi làm trở lại đến chiều.  Hình ảnh Ba tôi mặc đồ nhà binh hàng ngày in đậm trong trí óc của tôi suốt thời niên thiếu và kéo dài cho đến ngày 30.4.1975. 
Có lẽ sống trong quân đội khá lâu nên đối với chúng tôi lúc nào ông cũng nghiêm khắc và luôn dạy dỗ các con bằng những lời răn đe kỷ luật. Nhớ lại, hình như chưa bao giờ Ba tôi đùa giỡn hay có những cử chỉ âu yếm chúng tôi giống như tôi dành cho các con của tôi bây giờ.  Cái hình ảnh “kỷ luật quân đội” khủng khiếp nhất còn nằm trong đầu tôi là mỗi khi hai ông anh lớn của tôi nghịch phá hoặc lỡ làm việc gì sai trái, buổi chiều khi đi làm về sau khi nghe Mẹ tôi mét lại, Ba tôi kêu hai anh leo lên nằm sấp trên giừơng, từ từ ông rút sợi dây nịt nhà binh bằng chỉ nilon bện trên bộ đồ lính ra, chỉ cần nhìn đến đó là tôi đã hồn xiêu phách lạc, ông vừa đánh vừa la vừa răn đe.
Bà Nội Bà Ngoại và các Cô Bác Cậu Dì trong gia đình đều sợ cách Ba tôi dùng dây nịt nhà binh trị con cái như vậy, tuy nhiên mọi người đều quí trọng Ba tôi vì tánh tình tuy nghiêm khắc với con cái nhưng Ông sống rất mực thước, đạo đức và thanh liêm.  Tôi còn nhớ Cô ruột tôi có mấy người con trai, nếu anh nào không học hành đàng hoàng thường bị Bà Cô dọa mét Ba tôi đánh đòn, có lần chắc chịu hết nỗi Bà Cô gọi Ba tôi đến nhà kể tội mấy đứa con, sau đó xin Ba tôi đánh đòn cho mấy ông anh họ tôi chừa bớt, nhưng tội nghiệp Cô Dượng sau khi kể hết tội của mấy đứa con xong, hai ông bà dắt nhau đi lên lầu trốn để khỏi phải chứng kiến cảnh mấy đứa con bị Ba tôi cho ăn dây nịt nhà binh.
Kỷ niệm đáng nhớ của tôi là vào một buổi sáng chủ nhật tôi theo Ba Mẹ đi xuống Chợ Bến Thành, Mẹ tôi vào khu bán vải đường Tạ Thu Thâu lựa vải, Ba tôi dẫn tôi đi vào Nhà Sách Khai Trí xem sách, sau đó đi dọc theo lề đường Lê Lợi xem thiên hạ bán hàng đại hạ giá. Xế cửa Chợ Bến Thành có mấy chiếc xe Lambro, xe Daihatsu, xe vận tải nhỏ trên mui treo bảng quảng cáo kem đánh răng Hynos, mì ăn liền, khô cá thiều v.v…trên các tấm quảng cáo là mấy cái loa thi nhau mời gọi mọi người mua hàng đại hạ giá bán rẻ, đi vòng vòng một lúc tình cờ thấy trên lề đường có người trải tấm nilon bày bán Kính Vạn Hoa lớn nhỏ đủ loại, Ba tôi chọn lấy một cái trả tiền rồi đưa cho tôi. Đây là món quà đầu tiên tôi nhận được từ chính tay của Ba tôi mua cho tôi trong thời niên thiếu. Có thể lúc nhỏ tôi cũng có những món quà khác Ba mua nhưng tôi không nhớ. Sau nầy dù có trong tay không biết bao nhiêu món quà lớn nhỏ của Mẹ, của anh em bạn bè, của đồng nghiệp, kể cả của những người tôi yêu và những người yêu tôi, nhưng chưa có một món quà nào nằm lâu trong ký ức của tôi như cái Kính Vạn Hoa ngày đó. 
Cho đến bây giờ, dù tuổi đời gần nữa thế kỷ, tạm gọi là đã đi được 2/3 đoạn đường đời, mỗi khi bất chợt nhìn thấy nơi nào bày bán Kính Vạn Hoa trong lòng tôi lại dâng lên cái nỗi nhớ về kỷ niệm ngày xưa với món vật nhỏ bé Ba đã dành cho tôi, có lẽ Ba tôi cũng không thể ngờ rằng cái món quà nhỏ Ông mua trong một dịp tình cờ lại nằm sâu trong ngăn ký ức của tôi đến như vậy. 


Còn nhớ ngày xưa ấy đi đâu tôi cũng mang chiếc Kính Vạn Hoa kè kè theo trong mình. Với trí óc non nớt của tuổi thơ, tôi ráng tìm hiểu xem tại sao có quá nhiều hình ảnh và màu sắc với đủ hình dạng thay đổi liên tục theo mỗi nhịp xoay vòng trong đó, thời gian đầu tôi không có lời giải đáp, mãi sau này khi trí tò mò của tôi trổi lên mãnh liệt tôi quyết định tháo tung chiếc Kính Vạn Hoa ra để xem bên trong là cái gì mà có thể tạo nên hàng trăm ngàn hình ảnh kỳ diệu đến như vậy. Cuối cùng lời giải đáp dành cho tôi chính là sự lắp ghép ba mảnh gương soi hình thang theo chiều thẳng đứng, cái đáy hình trụ là một miếng kính tròn trong suốt, phía sau thêm một mảnh gương soi cũng hình tròn, ở giữa là những mẫu giấy, mảnh nhựa màu được cắt nhỏ theo các hình dạng khác nhau lẫn lộn, qua lăng kính phản chiếu nhiều lần trên ba mảnh gương soi đã tạo nên hàng trăm ngàn hình ảnh và màu sắc khác nhau và dĩ nhiên không bao giờ trùng lặp lại. Đó cũng chính là lý do tạo nguồn cảm hứng cho người xem muốn xem hoài không bao giờ chán.  Tiếc rằng sau khi biết cái bí mật đó tôi không còn nhiều cảm hứng để ngồi ôm chiếc Kính Vạn Hoa xem hàng giờ như những ngày đầu tiên nữa.
Sau này sống ở Mỹ lúc con gái của tôi khoảng 5 tuổi và sau đó khi đứa con trai của tôi khoảng 4 tuổi, tôi đều có mua cho mỗi đứa một cái Kính Vạn Hoa, đồng thời lẳng lặng quan sát một thời gian sau đó nhưng hình như không thấy đứa nào thích cái Kính Vạn Hoa giống như tôi ngày xưa,  về nhà chỉ thấy cả hai đứa cầm xoay tới xoay lui xem một lúc sau đó quẳng vô chung trong cái thùng chứa hàng trăm món đồ chơi đủ loại của chúng, thỉnh thoảng sau đó khi tìm kiếm món đồ chơi nào đó trong thùng đồ chơi bất chợt nhìn thấy cái Kính Vạn Hoa tụi nó cũng cầm lên ngắm nghía một chút rồi lại liệng trở lại trong thùng một cách vô tình không thương tiếc. Thấy vậy, tôi tuy có buồn một chút nhưng nghĩ trong bụng chắc bây giờ chúng nó có quá nhiều đồ chơi máy móc điện tử, các loại games trên computer, làm sao so sánh được với tôi hơn 40 năm về trước với cuộc sống còn đơn sơ và giản dị ở quê nhà. 
Sau năm 1975, Ba tôi cũng như hàng ngàn sĩ quan của chính quyền Saigon được đưa đi tập trung cải tạo.  Thời ấy tôi còn là đứa bé, chỉ nghĩ Ba tôi đi học tập cải tạo một tháng rồi về, cũng giống như trước đây ông thường đi công tác xa nhà vài tuần hay vài tháng vậy thôi, ai ngờ... Phải đến gần hai năm sau, khi Ba tôi gửi lá thư đầu tiên về nhà mọi người mới được biết lá thư được viết từ trại tù ở Yên Bái, Hoàng Liên Sơn, một tỉnh địa đầu phía Bắc Việt Nam, giáp ranh với nước láng giềng Trung Quốc. 
Lá thư đầu tiên nhìn lại bút tích của Ba tôi sau gần hai năm đổi đời, cũng giống như những lá thư sau này.  Tất cả đều cho biết sức khoẻ tốt, sau những lời hỏi thăm sức khỏe Mẹ tôi và từng đứa con cuối cùng bao giờ cũng có câu sẽ cố gắng lao động học tập tốt để sớm về đoàn tụ với gia đình và khuyên cả nhà ráng lao động tốt, trừ những câu sáo ngữ có tính bắt buộc trên, bao giờ tôi cũng chú trọng đến những lời khuyên răn dạy dỗ anh em tôi, như ráng giữ gìn sức khỏe, năng tập thể dục, vâng lời Mẹ và đùm bọc lẫn nhau, tôi cố tìm kiếm thêm những ý nghĩa sâu xa khác qua từng câu văn của Ba tôi, mỗi tháng Ba tôi chỉ được viết một lá thư gửi về cho gia đình gói gọn trong hai trang giấy học trò, cũng ngược lại như vậy Mẹ và anh chị em tôi cũng chỉ được hồi âm trở lại đúng một lá thư với hai trang giấy. 
Tôi còn nhớ rõ Mẹ tôi viết trọn một mặt trước của lá thư, mặt sau được sáu anh chị em tôi chia nhau mỗi người viết ít dòng, cố gắng viết chữ càng nhỏ càng tốt để có thể viết được dài hơn.  Tôi đã đọc được ở đâu đó có người viết rằng người Cha chính là bậc Vĩ Nhân của những đứa con, tôi cũng bắt chước viết cho Ba tôi theo cái ý như vậy, cũng nói rằng nếu có người hỏi ai là Vĩ Nhân của con, con sẽ không ngần ngại trả lời rằng Ba chính là bậc Vĩ Nhân trong cuộc đời của con, câu nói có thể hơi khách sáo hay cường điệu vào lúc đó, nhưng đến bây giờ sau khi Ba tôi mất và tôi đã đi được hơn nữa đoạn đường đời, tôi mới biết đó chính là câu trả lời đúng nhất, ít nhất cũng là phần lớn của những đứa con dành cho Cha nói chung và của tôi đối với Ba tôi nói riêng.
Ba tôi mất đã hơn bảy năm rồi, nhưng mỗi dịp Father's Day về tôi lại nhớ về người nhiều hơn. Người Cha người Mẹ nào mất đi cũng là một  thiệt thòi to lớn đối với con cái không gì có thể bù đắp nổi.  Ngoài công ơn sinh thành dưỡng dục Ba tôi còn dành cho chúng tôi một đặc ân to lớn hơn nữa, đó là đã mang cả gia đình chúng tôi đến được đất nước tự do Hoa Kỳ.  Nếu Ba tôi không phải chịu những năm tháng tù tội làm sao chúng tôi có được sống an bình hạnh phúc trên xứ sở được mệnh danh là thiên đường này. 
Nhân ngày Father's Day xin gửi đến tất cả những người Cha Việt Nam lòng tri ân sâu sắc và tôn kính nhất của những đứa con đã, đang và sẽ học hỏi được những điều tốt đẹp và cao quí mà Cha dành cho chúng con.
Tấn Quân

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 843,989,674
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.
Nhạc sĩ Cung Tiến