Hôm nay,  

Father’s Day: Vĩnh Biệt Popo

14/06/200800:00:00(Xem: 302014)

Father’s Day: Vĩnh Biệt Popo

Người viết: Bảo Trân
Bài số 2325-16208302-vb7140608
Tác giả tên thật Lý Tuyết Mai, cư dân Pomona, CA. Việc làm: Nhân Viên Bộ Xã Hội. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của cô là “Người Vẽ Tranh” kể về một trường hợp đặc biệt trong việc xin trợ cấp xã hội. Nhân mùa Father’s Day, cô góp thêm hai bài viết đặc biệt. Bài thứ nhất kể về người bảo trợ và bài thứ hai, kể về xa lộ 105 tại miền Nam California và kỷ niệm sâu sắc về Bố.

* **

Chỉ còn hơn một tuần lễ nữa là Thảo và tôi sẽ dọn về căn nhà bố mới mua lại của ông bà Ballentine, gần nhà bố.  Buổi chiều, tôi đang soạn lại cái đống sách báo cũ để xem cái nào đem theo, cái nào có thể vứt đi, thì bố gọi điện thoại cho tôi bảo:

-  Bà Rice vừa mới gọi sang, nói ông Rice không còn bao nhiêu ngày nữa đâu, vi trùng ung thư đã ăn lan gần hết hai lá phổi rồi.  Bác sĩ đã nói với bà là nên sửa sọan sẵn, vì ngày đó có thể đến bất cứ lúc nào.  Bố nghĩ, mình nên đi thăm ông lần cuối.  Má không muốn đi, má sợ sang bên đó nhìn thấy ông mủi lòng rồi không cầm được nước mắt.  Mấy đứa em con cũng không đứa nào muốn đi, ngoại trừ Lin.  Con có muốn đi với bố và em không"  Hỏi Thảo đi rồi trả lời cho bố biết, còn phải mua vé máy bay ngay cho kịp.  Bố tính là mình sẽ đi cuối tuần tới, nhằm tuần lễ Father’s Day, là hay nhất.  Chiều thứ sáu đi, chiều chủ nhật về. 

Tôi ngập ngừng:

-  Tuần tới, tụi con phải dọn nhà rồi. Con còn phải chùi dọn sạch sẽ cái apartment để giao lại nhà cho manager nữa.  Tuần sau đó đi được không bố" 

Bố nói:

-  Bố biết, nhưng con có thể dời ngày dọn nhà mà.  Bố muốn cạn chén với ông Rice trong ngày lễ Father’s Day cuối cùng này.  Chỉ còn lần cuối cùng này thôi!

Tôi bàn với Thảo, anh cũng đồng ý là tôi nên đi với bố và Lin để thăm ông Rice thứ sáu tuần tới, còn anh thì sẽ ở nhà để thu xếp đồ đạc, đóng thùng.  Cuối tuần đó, anh sẽ nhờ Tu và mấy người bạn trong cái ban nhạc bỏ túi của nó đến để phụ anh dọn đồ sang nhà mới.  Tuy chưa phải…nghĩa tử, nhưng mà cũng đã đến… nghĩa tận rồi.  Thế là bố, Lin và tôi sửa soạn cho một chuyến bay xa.

*
Chuyến bay đi New Orleans khởi hành lúc bốn giờ rưỡi chiều.  Tôi và Lin yên lặng ngồi nhìn bố thoải mái nằm ngáy o o.  Lin đưa tay nắm lấy tay tôi, tôi biết con bé cũng hồi hộp ghê lắm khi trở lại Louisiana.  Năm năm trước, chúng tôi cũng đã từng hồi hộp trên chuyến bay từ Los Angeles qua New Orleans một ngày đầu tháng sáu.  Nhưng nỗi hồi hộp của ngày đó khác xa với nỗi hồi hộp của bây giờ.  Ngày đó, chúng tôi gặp Popo lần đầu, còn bây giờ, chúng tôi sẽ gặp Popo lần sau cuối. 

…Ngày đó, ở trại tị nạn không bao lâu thì bố nhận được giấy tờ bảo lãnh của đại tá hồi hưu John Rice, người mà bố đã quen biết từ lúc còn ở Việt Nam.  Bố đã từng làm việc với ông ở bộ Tổng Tham Mưu hồi ông sang làm cố vấn thời Chính Phủ Cộng Hòa.  Sau này khi ông Rice trở lại Việt Nam làm việc với tính cách dân sự, thì bố và ông cũng đã gặp nhau trong chương trình Phượng Hoàng.  Bố và ông đã có những ngày về Mỹ Tho công tác rồi đi thị sát với nhau trên sông Tiền bằng cano, hay ngồi nhâm nhi ly nước dừa tươi ở quán cóc bên bờ sông, ngắm những chiếc thuyền hàng xôn xao xuôi ngược.  Mãn nhiệm kỳ ông Rice về nước, ông để lại địa chỉ và điện thoại cho bố, để thỉnh thỏang bố liên lạc với ông, và nếu có một cơ hội nào đó, chẳng hạn như bố được gửi đi Mỹ tu nghiệp, thì bố ghé đến thăm ông.

Cái địa chỉ đó trở thành một bảo vật, theo bố sang đến Mỹ.  Ở Guam bố gọi điện thoại cho ông, gửi cho ông một lá thư, báo tin ngày giờ gia đình tôi sẽ đến trại Pendleton.  Vào đến trại tị nạn, khi mọi người còn đang tất tả ngược xuôi tìm người bảo trợ để ra thành phố, thì gia đình tôi đã nhận được giấy tờ bảo lãnh của ông, nên chúng tôi chỉ ở trong trại tị nạn đến cuối tháng năm.

Thế là chúng tôi lên đường đi Louisiana.  Ông bà Rice đón chúng tôi về nhà, lo cho từng miếng ăn, chỗ ngủ.  Ông lo cho bố việc làm trước tiên, rồi đưa mấy đứa em tôi sang ngôi trường đạo ở Jefferson Parish học hè.  Ông bảo qua đến niên học mới thì ông sẽ ghi tên cho mấy đứa học chung trường với Stacey, Jamie, hai đứa cháu ngọai của ông, còn tôi thì ông sẽ xin cho tôi vào nội trú ở một trường đại học tận thủ phủ Baton Rouge.  Buổi chiều, sau khi mấy đứa em tôi đi học về là ông bắt đem sách vở ra để cho ông kiểm soát, xem chúng có học hành đàng hoàng không.  Ông tìm những cái phim họat họa, hay những chương trình giáo dục thiếu nhi cho chúng tôi xem để chúng tôi biết thêm tiếng Anh.  Bà dạy cho Lin học bằng cách hát những bài hát của con nít, trong số những bài hát đó, Lin thích nhất là bài con nhện leo lên cái ống máng dẫn nước mưa. 

Chúng tôi đến Louisiana đầu tháng sáu, bố đi làm được vài tuần thì đến ngày lễ Father’s Day.  Bà Rice dẫn mấy đứa tôi đi shopping để mua quà cho bố với ông Rice.  Bữa tiệc ăn mừng Father’s Day được ông bà Rice tổ chức linh đình hơn mọi năm vì ông đã có thêm bố, người con trai nuôi mà ông bà vừa tiếp nhận.

Ông bà Rice không có con trai, nên ông thương bố như con ruột.  Ông bà bảo chúng tôi gọi ông bà là Popo, Momo như Stacey và Jamie vẫn gọi.   Ông Rice đã tìm sẵn việc làm cho bố từ ngày bố còn ở trong trại Pendleton.  Khi bố sang đến Metairie, ông cho nghỉ ngơi được đúng ba ngày rồi ông đưa bố đến sở làm.  Tuần sau đó, ông chỉ bố con đường xe bus đi từ nhà ông lên đến sở.  Cuối tuần, ông Rice đưa bố ra xa lộ tập cho bố lái xe, mặc dầu ông biết bố đã từng lái xe từ hồi còn ở Việt Nam, nhưng ông bảo:

- Luật lệ bên này khác hẳn với luật lệ ở bên đó, vận tốc lái xe cũng nhanh hơn nhiều.  Đường xá bên này có vạch lằn mức rõ ràng, mỗi xe đi vào một lối, đừng theo kiểu lái xe Á Châu chen lấn muốn đi ra sao thì đi, sẽ tha hồ bị cảnh sát phạt.  Mà khi bị phạt quá tải rồi thì chỉ mập béo mấy bọn bán bảo hiểm xe cộ, chúng bán giá nào thì cũng phải mua, cứ đưa thẳng cái cổ ra cho bọn chúng chém. Muốn lái xe không có bảo hiểm cũng không sao, chỉ thiệt hại cho mình khi gặp phải tai nạn.

Ông còn dặn dò bố sau này khi lái xe ra đường phải cẩn thận, vì thành phố Metairie này tuy hiền hoà nhưng cũng có lắm người hỗn tạp, đừng có mở lòng nhân cho người lạ quá giang mà hại đến thân.

Khi bố lãnh cái check lương đầu tiên, ông Rice dẫn bố ra nhà bank, chỉ bố mở một trương mục tiết kiệm.  Ông bảo bố bỏ hết tiền lương vào trong đó, chỉ lấy ra đủ tiền mua vé xe bus đi làm mỗi tuần và một ít tiền dắt túi.  Thức ăn trưa thì làm sẵn ở nhà, bỏ bọc gói theo để khỏi phải tốn tiền mua thức ăn ở ngoài.  Tiêu pha trong nhà ông bà sẽ lo chu tất, bố không phải lo.  Chừng bố để dành được kha khá tiền thì ông sẽ dẫn bố đi mua một cái xe cũ làm chân, rồi từ từ sẽ mướn nhà ra ở riêng.  Sau khi ổn định rồi thì ông bà sẽ tính cho chương trình giải trí cuối tuần.  Ông bà đã từng có một chiếc du thuyền để đi chơi vòng vòng trên cái hồ Pontchartrain, cái hồ có cây cầu nổi dài nhất thế giới.  Ông bán thuyền đi cũng vì mấy người con gái sau khi lấy chồng rồi bận bịu nên không có thời giờ đi chơi với ông nữa, mà để thuyền lại thì phải tốn tiền bảo trì và tiền thuê bãi đậu thuyền.  Bây giờ có bố rồi thì ông sẽ sắm lại thuyền để đi chơi vì bố với ông có nhiều điểm thích hợp.  Bố với ông đều thích dạo thuyền trên sông nước. 

Nhưng tôi đã không có cơ hội đi Baton Rouge học nội trú, và ông Rice cũng không có cơ hội sắm lại du thuyền, vì trước tháng chín gia đình tôi đã lên đường trở lại Cali.  Những người bạn của gia đình tôi cùng ở trong trại Pendleton ngày xưa, bây giờ đã được bảo lãnh ra ở những thành phố chung quanh Los Angeles, San Diego, Orange County, gọi phone cho má mỗi tuần.  Họ tả cho má nghe cái nhộn nhịp của phố Tàu Los Angeles từ khi có thêm người Việt tị nạn, chợ búa được mở thêm nhiều hơn ngày trước để cung cấp đủ thực phẩm cho những người Việt mới sang.  Họ kể cho má nghe cái chuyện đi China Town mua mì, hủ tíu, nước mắm, xì dầu… để nấu ăn, dụ dỗ má trở về.  Bố nghe má năn nỉ mãi cũng mềm lòng, nên cũng quyết định nghỉ việc, đem gia đình trở lại Cali.

Khi bố báo cho ông biết là gia đình tôi sửa soạn về lại Cali ông Rice buồn lắm.  Ông cứ ngồi trầm ngâm cả ngày bên ly rượu mạnh chờ bố đi làm về để nói chuyện nhỏ to, mong là sẽ thuyết phục được bố bỏ ý định về lại Cali.  Ông biết khi gia đình tôi đi rồi là ông sẽ không có ai để trò chuyện cùng ông nữa, và không còn ai để cùng ông nhắc nhở lại những vui buồn của một thời làm việc xa xưa. 

Từ ngày rời khỏi Metairie, chúng tôi chưa có dịp trở lại thăm ông bà, nhưng những thành đạt của chúng tôi đều được bố gọi phone sang New Orleans báo cáo tỉ mỉ với ông.  Chúng tôi gặp lại ông bà một lần hai năm trước, khi ông bà sang Cali dự đám cưới của Thảo và tôi…

Máy bay đáp xuống phi trường New Orleans khỏang gần mười hai giờ đêm.  Tôi và Lin mệt nhòai vì máy bay bị gió nhồi liên tục suốt đoạn đường cuối cùng từ Houston sang đến New Orleans.  Bà Rice đã nhờ ông Mearer, một người hàng xóm ở trước cửa nhà bà, ra đón chúng tôi.  Ngày chúng tôi mới đến Metairie thì ông Mearer vẫn còn là phi công chính của hãng hàng không American Airlines, nhưng bây giờ thì ông đã về hưu rồi.  Ông có nhiều thời giờ hơn để tẩn mẩn sơn phết, lắp ráp những món đồ chơi bằng gỗ có những hình máy bay lạ mắt ông đã mua từ lâu lắm.  Từ khi biết ông Rice mang chứng bịnh nan y thì ông vẫn thường sang thăm hỏi, xem người bạn láng giềng có cần giúp đỡ gì không.

Ông Mearer tươi cười khi nhìn thấy chúng tôi.  Ông siết tay bố thật chặt nói:

- Lâu quá, mình mới có dịp gặp lại nhau.

Ông khen tôi chững chạc hẳn ra, và hân hoan khi thấy con bé Lin nho nhỏ ngày nào nay đã trở thành một thiếu nữ xinh xắn.  Trên đường từ sân bay về nhà, ông kể cho bố nghe về căn bệnh của ông Rice.  Năm trước bác sĩ đã mổ cho ông Rice một lần, cắt bỏ một phần lớn lá phổi bên trái, nhưng hai tháng trước đây bác sĩ đã từ chối không mổ cho ông lần nữa vì đã không còn cách cứu vãn, chỉ còn là vấn đề thời gian thôi. 

Ông Mearer chép miệng: 

-  Tội thật, ông ấy đã đến nỗi già lắm đâu!

Khi chúng tôi về đến nhà thì chỉ có một mình bà Rice còn thức.  Bà đưa ba bố con tôi vào hai căn phòng mà bà đã dành cho gia đình chúng tôi năm năm trước.  Tôi và Lin đang ngất ngư với cơn say gió, nên lăn ra ngủ mê mệt. 

Sáng hôm sau, khi tôi và Lin thức dậy, ra đến nhà ngoài đã thấy bố và ông Rice đang ngồi với nhau ở cái patio sau vườn.  Bà Rice thì đang loay hoay vớt rong rêu ở mấy cái hồ cá nhỏ trong family room và sửa soạn cho mấy con cá kiểng của bà ăn.  Nghe chúng tôi chào bà quay lại bảo:

-  Thức ăn có sẵn trong bếp.  Hai đứa thích gì thì ăn nấy.  Hai đứa muốn ăn ở phòng ăn hay ra ngoài với Popo thì tùy ý. 

Tôi đáp:

-  Dạ, chúng con sẽ ra ngoài patio với Popo.

Tôi và Lin bỏ thức ăn vào hai cái đĩa sứ, lấy hai ly nước cam rồi bưng ra ngoài vườn.  Metairie mới buổi sáng mà không khí đã bắt đầu oi bức.  Cũng may là cái patio này nằm ngay dưới mấy tàn cây cổ thụ nên cũng mát mẻ được một chút. 

Tôi và Lin nói - good morning - với ông Rice và bố rồi ngồi xuống ở góc bàn đối diện.  Mới có hai năm cách xa thôi mà ông hốc hác thấy rõ.  Mặt ông tóp tọp, hai gò má nhô cao, đôi mắt ông sâu hõm, hai vai ông co rút lại trong chiếc áo chemise rộng thùng thình.  Nhìn ông, tôi có cảm tưởng như là nhìn một bộ xương người đang nhúc nhích.  Tuy vậy, nhưng ánh mắt ông vẫn sáng, nụ cười trên môi ông vẫn tươi.  Ông nói, tiếng nói vẫn sang sảng như ngày nào:

-  Popo xin lỗi, không chờ được mấy đứa đến tối hôm qua.  Dạo sau này Popo không thức khuya được nữa.

Tôi xúc động:

-  Chúng con phải xin lỗi mới đúng vì đã đến khuya quá, nhưng vì còn phải đi làm nửa ngày…

Ông lắc đầu:

-  Popo biết mà, đi gấp rút như thế này thì làm sao mà xếp soạn, nhưng mà không gấp rút thì không biết còn có dịp…Gặp lại bố và mấy đứa con Popo vui quá.  Thôi hai đứa ăn đi.

Rồi ông lại quay sang nói chuyện với bố.  Hai chị em tôi ngồi im nghe ông nhắc lại những chuyện cũ đã được nghe qua ít nhất cũng một lần.  Chợt ông Rice quay lại, bắt gặp Lin đang nhìn theo một con nhện tụt lưới đang cố tìm cách leo lên trở lại nhánh cây, ông nheo mắt chọc Lin:
 
-  Con bé này, vẫn nhớ bài Incy Wincy Spider chứ" 

Lin cười:

-  Đương nhiên là con nhớ, Popo.  Phải như vầy không" 

Rồi Lin bỏ nĩa ăn xuống, đưa hai bàn tay lên múa theo điệu bài hát con nhện leo máng xối ngày xưa mà bà Rice đã dạy nó, đầu ngón tay cái chập vào đầu ngón tay út, cứ thế tiếp tục xoay chuyển để đưa con nhện lên cao.  Lin hát: 

- “ Incy Wincy Spider climed up the water spout.  Down came the rain and washed the spider out.  Out came the sunshine and dried up all the rain.  Incy Wincy Spider climed up the spout again.” -

Ông Rice cười lên ha hả rồi gập người xuống ôm ngực ho khan, rũ rượi.  Tôi bỗng thấy cay mắt, tôi không còn muốn ngồi nhìn ông nữa, tôi đứng dậy xin phép vào trong nhà.  Tôi bước vào, thấy bà Rice đang đứng ở ngưỡng cửa family room nhìn ra vườn, đôi mắt đỏ hoe.  Tôi bỏ cái đĩa xuống bàn bếp, chạy ra ôm vòng lấy bà, mặc cho hai dòng lệ nóng chan hòa trên đôi má.

Bữa tiệc mừng Father’s Day được tổ chức vào chiều thứ bẩy, vì chiều chủ nhật bố con tôi đã phải lên máy bay về lại Cali.  Hai người con gái ông bà Rice, Jackie và Janice, đã cùng chồng con về chơi từ sớm, để hai cô có nhiều thời giờ nói chuyện với bố.  Bữa tiệc barbecue đơn giản được tổ chức ngay sau vườn, có những miếng thịt bò ướp gia vị nướng nóng hổi, ăn với bánh mì quết bơ, sà lách trộn dầu giấm, và bắp luộc.  Ông bà Mearer cũng sang chơi, đem theo một bịch cua, tôm, và crawfish, đặc sản của vùng Louisiana, ướp cay xé lưỡi.  Ông Rice vui nhất, cười nói huyên thuyên.  Ông không ăn được nhiều, ông chỉ uống tì tì hết ly nọ sang ly kia.  Tôi và Lin ngồi bên cạnh Stacey và Jamie, nhấm nháp những con tôm, crawfish, hấp vừa chín tới, chấm với nước chanh tươi trộn muối tiêu.  Chúng tôi nhìn ông cầm ly rượu đi tới mời chào từng người mà nước mắt đoanh tròng.  Buổi tối hôm ấy, ông Rice đã thức nói chuyện với bố thật khuya, vì đã vào giường một lúc lâu rồi tôi mới nghe thấy tiếng cửa mở bên phòng bố, và tiếng ho sặc sụa của ông Rice vọng lại từ phòng ngủ của ông bà ở cuối dãy hành lang.

Chiều chủ nhật, chúng tôi giã từ ông bà để về lại Cali.  Ông Rice đưa chúng tôi ra đến tận xe. Tôi và Lin ôm hôn ông chào tạm biệt.  Chúng tôi cũng không quên chúc ông một mùa lễ Father’s Day nồng ấm.  Ông cười buồn: 

-  Không phải vĩnh biệt sao"  Popo còn trông thấy các con một lần nữa hay sao"  Ừ, mong là trời cho Popo sống thêm một vài tháng nữa, hay ít nhất là tới ngày lễ Độc Lập, nhìn cờ bay phất phới, pháo bông rực rỡ, một lần sau cùng.  Cám ơn các con, đã mang đến cho Popo món quà Father’s Day đẹp nhất.

Cũng ông Mearer đưa chúng tôi ra phi trường.  Ông bắt tay bố chào từ giã.  Ông nói:

-  Tôi rất tiếc là anh đã phải sang Metairie trong tình huống này.  Nhưng dù sao thì chúng ta cũng không ân hận vì đã tổ chức được cho John một bữa tiệc Father’s Day cuối cùng, vui vẻ. 

*
Cuối tháng sáu ông Rice mất.  Bà Rice gọi báo tin cho bố ngay sau khi thi thể ông được đưa vào nhà quàn.  Bà bảo, tang lễ sẽ được tiến hành hai ngày hôm sau vì mọi việc đã sẵn sàng rồi, và chỉ riêng trong phạm vi gia đình, thân thuộc mà thôi, nhưng bà không muốn bố và chúng tôi tiêu thêm tiền để sang Louisiana lần nữa.  Quan trọng là lúc ông còn sống, ông và chúng tôi đã gặp lại nhau, chứ khi ông đã nằm xuống rồi thì đâu còn biết là ai đến gặp ông, ai không đến.  Bà kể lại mấy ngày cuối cùng ông Rice đau ghê lắm, bác sĩ đã phải chích thuốc an thần cho ông ngủ.  Và ông đã ngủ mê mệt, ông chỉ thức dậy có một vài giờ trước khi vĩnh viễn ra đi.

Tuy đã biết trước là sẽ có ngày này nhưng tôi không khỏi bùi ngùi.  Tôi không ngờ là nó đến sớm hơn thời gian bác sĩ đã tiên liệu.  Không phải bác sĩ đã nói là ông còn đến những… hai tháng nữa hay sao"  Ông còn muốn được nhìn thấy cờ bay phất phới trong ngày lễ mừng Độc Lập một lần sau cuối cơ mà! 

Thế là chúng tôi đã vĩnh viễn mất đi Popo John Rice, một người ông nuôi thân yêu, khả kính thật rồi. Tôi lặng lẽ lau nước mắt, đặt bàn tay phải lên phần ngực chứa trái tim, ngậm ngùi: - Vĩnh biệt Popo. -

Bảo Trân

Ý kiến bạn đọc
18/08/201203:31:57
Khách
For the love of God, keep writing these atrilces.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,003,167
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.
Nhạc sĩ Cung Tiến