Hôm nay,  

Tiếng Chim Sau Vườn

25/11/200300:00:00(Xem: 224397)
Người viết: BÙI XUÂN ĐÁNG
Bài số 405-944-VB4191103

Tác giả Bùi Xuân Đáng 75 tuổi, cư trú tại Orange County, đã góp cho giải thưởng Viết Về Nước Mỹ nhiều bài viết giá trị. Mỗi bài viết của ông, từ chuyện câu cá, rau trái trồng lan... đều thể hiện những kinh nghiệm hiểu biết chu đáo. Bài mới của ông lần này là một hồi tưởng cô đọng 28 năm tới Mỹ, với những chi tiết trung thực và sống động đáng quí.
*
Mùa hè năm nay, sáng nào cũng vậy, cứ vào khoảng 4-5 giờ giữa lúc tôi đang còn mê man trong giấc ngủ, tiếng chim sau vườn đã đánh thức tôi dậy.
Tiếng chim hót vào buổi sáng tinh mơ, phố xá hãy còn yên lặng. Lâu lâu mới có tiếng chiếc xe chạy từ xa, khuấy động sự yên tĩnh trong khoảnh khắc rồi chỉ còn lại tiếng hót véo von của con chim bách thanh, một con mockingbird chuyên môn nhái lại tiếng hót của các lòai chim khác. Tiếng hót khi trầm khi bổng, khi nhặt khi khoan, lúc líu líu lo lo, lúc bỗng im lặng khá lâu rồi bất chợt ồn ào như một đàn chim sáo tranh mồi.
Tiếng chim hót này làm tôi tỉnh giấc và hồi tưởng lại những ngãy còn ở ngôi nhà cũ: 2211 W. Virginia thành phố Peoria, Illinois, nơi gia đình chúng tôi đã cùng nhau nhiều năm chung sống và chia xẻ biết bao kỷ niệm vui buồn.
*
Khi mới đến Hoa Kỳ, gia đình tôi là một trong những gia đình đầu tiên đến Orange County.
Chúng tôi rời trại Pendleton do sự vận động của Gary Lason , Trung sĩ I Thủy quân Lục chiến và sự bảo trợ của nhà thờ First Baptist Church đường Newport thành phố Tustin. Nhưng thực ra chỉ có 12 trong số 122 hội viên thuộc nhà thờ tình nguyện bảo trợ cho gia đình tôi mà thôi. Họ đã thuê cho chúng tôi một appartment 3 phòng ngủ, 2 phòng tắm trên lầu, dưới nhà là phòng khách, phòng ăn và bếp ngay taị 12742 đường Newport Avenue với giá 299$ ột tháng kể cả nước và hơi đốt.
Chúng tôi cảm động đến rơi nước mắt, căn nhà quá đẹp, phòng khách đã có sẵn Tivi, bàn ghế tuy không còn mới nhưng sạch sẽ gọn gàng. Trên mặt bếp xoong, nồi đầy đủ kèm theo vài bịch gạo 5 lbs. Trong tủ lạnh 2 con gà với chai nước tương soy sauce và những tủ đầy ắp quần áo. Có tiếng chuông gọi cửa, người hàng xóm mang sang một đĩa Pizza và một đĩa Lasagna kèm theo lời hứa sẽ tìm hộ việc làm.
Khi còn ở trong trại, tôi nghiên cứu những tờ báo L..A Times và Orange County Register để biết về đời sống bên ngoài: Thịt gà 30 cents một pounds, bánh mỳ 25 cents một ổ, xăng 38 cents một gallon, lương tối thiểu 2.10 $ một giờ ø. Tôi nghĩ rằng chỉ cần 3 cha con tôi đi làm, cũng được 1000$ đủ sức nuôi một gia đình 9 người gồm mẹ già, chaú nhỏ lại còn thêm đứa cháu con người em ruột của tôi nữa.
Không muốn trở thành gánh nặng cho người bảo trợ, vì họ không muốn cho chúng tôi xin trợ cấp xã hội và phần vì hiểu biết thân phận mình cho nên 10 giờ sáng ngày 10-7-75 gia đình tôi ra tới Tustin, 1 giờ chiều tôi đi lấy bằng lái xe và đi làm vào hôm sau. Việc làm của tôi có chẳng gì khó khăn phức tạp: Thay dầu mỡ, vá bánh xe và lái xe lên Santa Ana lấy đồ phụ tùng. Lương chỉ có 2$. một giờ dưới hẳn luật đã qui định song tôi chẳng quan tâm đến việc làm ít lương phải 9 giờ một ngày và làm luôn cả thứ bẩy không tiền phụ trội overime. Con trai tôi, đứa đã tốt nghiệp đai học ở Việt Nam, làm ở trạm xăng, đưa khác khuân vác thùng cam. Với thu nhập của cả 3 cha con, chúng tôi có thể tự túc ngay được.
Khi đó xa lộ 5 còn vắng ngắt, hai bên toàn là vườn cam, ruộng dâu và cà chua. Từ Tustin lên Santa Ana, chỉ mất 45 phút cả đi lẫn về và chờ lấy đồ phụ tùng xe. Khu Bolsa còn bỏ hoang và đầy rác rưởi. Muốn mua chai nước mắm phải nhờ cô thư ký nhà thờ, người Nhật chở chúng tôi lên Los Angeles. Tìm mãi mới thấy một tiệm Thái lan hay Phi luật tân gì đó chỉ có 2 chai, bụi đã đóng dầy cả phân, có lẽ chẳng ai mua từ ngày mở tiệm. Chủ tiệm vui mừng bán hết cho và vợ tôi mang về đổ ra chai nhỏ sau khi đã pha phêm nước muối mang vào Pendleton cho mỗi người một chút còn quý hơn cho vàng . Ông chủ tiệm sửa xe, gốc Canada hiền lành ít nói, bà vợ người Brazil thấy tôi làm việc mau lẹ và chăm chỉ đã cho tôi mượn chiếc xa Cadillac mui trần cổ lỗ sĩ, uống xăng như Tây uống rượu vang để cho tôi khỏi phải cuốc bộ đi về mỗi ngày 4 miles, được phép đưa vợ con đi đây đí đó và tiền xăng nhớt tính vào chi phí của tiệm.
Nhưng mới tạm yên được một tháng, gia đình tôi đã tự túc rời đi Texas cho gần người em ruột của tôi. Khi còn ở trong trại Pendleton tôi đã quyết định chon California là nơi cư ngụ,vì sau mấy lần sang Hoa Kỳ để thụ huấn quân sự từ thập niên 60 tôi đã biết khí hậu California ấm áp thế nào so với những tiểu bang khác. Một ông Mỳ già làm việc cho Processing Center đã đồng ý khi tôi từ chối sự bảo trợ của 3 nhà thờ đều tại Illinois. Ông ta nói hồi đó sao tao ngu quá nên đã chịu lạnh ở Illinois hơn 10 năm, tốn bao nhiêu tiền quần áo và hơi đốt lò sưởi.
Chúng tôi rời California đi Texas để làm vui lòng người mẹ già, vì chúng tôi có 4 anh em, hai gia đình người em hãy còn kẹt lại tại Việt Nam và cũng vì lời hứa hẹn qua điện thoại của ông Thị trưởng thành phố Detroit sẽ giúp đỡ cho con trai lớn của chúng tôi vào Đại học Y khoa.
Detroit là một làng quá nhỏ, nằm bên xa lộ 82 gần biên giới Texas, Oklahoma và Arkansas. Dân số chưa đến 600 kể cả 13 người trong gia đình chúng tôi, phần lớn là những người già và đa số là da mầu. Cả làng chỉ có một tiệm tạp hóa nhỏ, nhỏ hơn bất cứ ở nơi nào, một ngọn đèn lưu thông duy nhất và một xưởng muối dưa leo do hai cha con vừa làm chủ và làm thợ.
Tôi đi tìm việc làm suốt một vòng đường kính 30 miles và may mắn lắm mới xin được việc khuân thùng và lái xe xúc tại hãng Campbell Soup với lương 3$75 /giờ, làm việc ca hai từ 4 giờ chiều đến 12 giờ đêm, cách nhà 17 miles. Về đến nhà gần 1 giờ đêm thân thể rã rời vì đã 50 tuổi, chưa hề biết lao động mà mỗi ngày phải khuân khoảng từ 800-1200 thùng 24 hộp súp từ bên ngoài vào trong toa xe lửa hoặc ngược trở lại. Đôi khi phải khuân chiếc mâm gỗ (palette) nặng gần 100 lbs bỏ trên chiếc xe goòng cứ khoảng 45 giây lại chạy qua một lần. Mồ hôi vã ra như tắm, chân tay sứt sát, mình mẩy tím bầm, nước mắt chan hòa,buồn thân tủi phận nhưng tôi cắn răng chịu đựng cho đến lúc hết ca. Về đến nhà đã quá nửa đêm, tắm rửa xong, ăn chút đỉnh rồi lên giường lúc 1 giờ 30, 6 giờ sáng đã phải trở giậy đưa cô con dâu và người cháu vợ đi làm cách nhà 20 miles. Trở lại nhà, chưa xong bữa điểm tâm, con cháu đã gọi lên đón về vì không còn việc, dù rằng chỉ là lương tối thiểu.
Cùng vào thời kỳ đó, 3 đứa cháu vợ tôi, gặp sự khó khăn với người cô ruột có chồng người Mỹø ngỏ ý muốn đi theo chúng tôi, nếu không đuợc sẽ trở lại trại tỵ nạn tìm người bảo trợ khác. Chúng tôi đang ở trong cảnh ngộ bi thảm dở sống dở chết., nhưng biết rằng các cháu đang cần tình thương và sự bao bọc cho nên chẳng có thể làm ngơ, sốt sắng đón nhận để sau này khỏi hổ thẹn với anh em và lương tâm cắn rứt.
Mùa đông ở Detroit năm 1975 dù chỉ có vẻn vẹn mấy đám tuyết mỏng, nhưng cũng quá lạnh với chúng tôi. Tiếng cho ù sói hú ngoài bìa rừng ven làng, ngọn gió đông lạnh lẽo luồn qua kẽ hở trên vách và ván sàn rít lên từng hồi làm cho chiếc lò sưởi leo lét ánh lửa chập chờn. Mẹ tôi và vợ tôi ôm đứa cháu nhỏ trong lòng ngao ngán thầm tiếc những ngày nắng ấm tươi đẹp ở California. Tôi cần phải nói thêm rằng đứa cháu này là nguồn vui vô tận cho gia đình chúng tôi. Cũng nhờ cháu mà mẹ tôi và toàn thể gia đình cũng nguôi ngoai phần nào về hoàn cảnh bi thương : nước mất, nhà tan, cha mẹ, vợ con, anh em phân tán.
Lễ giáng sinh năm đầu tại nơi đèo heo hút gíó tưởng là buồn thảm, bỗng dưng vui hẳn lên khi cô con gái lớn và chồng từ Illinois lái xe về thăm. Con rể chúng tôi tốt nghiệp đại học Stanford từ năm 60, nên đã làm việc cho công ty Caterpillar tại đây kể từ khi rời trại tỵ nạn. Chúng tôi đồng ý là gia đình tôi không thể ở mãi nơi khỉ ho, cò gáy này được. Gia đình chú em tôi đã tạm ổn định với sự bảo trợ của Clarkville County cung cấp nhà ở, tiện nghi với 800$ một tháng để thi lại bằng Y khoa với điều kiện sẽ làm việc với quận hạt này trong 2 năm. Chúng tôi dự tính trở về lại Cali, nhưng mẹ tôi bảo nếu không ở đây được cho có anh có em, thì nên đi Illinois cho gần con gái tôi hơn, kẻo tội nghiệp cháu đang sống trong một gia đình đông vui, mà nay phải theo chồng đến nơi xa lạ.
Định mệnh như đã sui khiến và dính liền cuộc đời của chúng tôi với Illinois, một tiểu bang đầy những cánh đồng ngô, đậu nành mênh mông như biển cả và là trung tâm của các hãng bảo hiểm và biết bao nhiêu công kỹ nghệ khác nữa. Thế là tháng 2 năm 76 vợ chồng tôi cùng đứa con trai thứ hai và đứa cháu vợ tôi lên Morton, Illinois thăm thú tình hình.
Khi lên tới Lincoln còn cách Morton chừng 20 dậm, trời đã tối và tuyết đổ mù mịt. Lần đầu lái xe trong cơn mưa tuyết, những bông hoa tuyết trắng ngần vun vút lao vào kính xe làm cho vợ tôi mất cảm giác an toàn và khó lòng quên được dù rằng đã mấy chục năm qua. Sau một tuần lễ dạo chơi quanh vùng chúng tôi thấy Peoria là một thành phố khá lý tưởng. Nằm bên giòng sông Illinois đổ xuống từ miền Bắc, nhập vào sông Mississipi tại gần Saint Louis và chảy ra biển cả miền Nam. Peoria có xa lộ 74 nối liền Illinois với Iowa chạy ngang qua thành phố và cũng nằm sát ngay xa lộ 55 chạy từ Chicago xuống tới New Orleans.
Thời kỳ đó Peoria Illinois là thời kỳ cực thịnh, được xếp vào hàng thứ 6 trên toàn quốc về mức luơng trung bình tính theo dân số và cũng là một trong 21 thí điểm hành chánh và tiêu thụ tại Hoa Kỳ. Lương người phu quét rác tại hãng Caterpilar $12 / giờ. Dân số 100.000 người, nhưng nếu kể các thành phố lân cận, lên tới gần nửa triệu. Ngoài Caterpilar với khoảng 30.000 nhân viên, còn có hãng rượu bia Pabst với trên dưới 1200 người, hãng American Distillery khoảng 400-500 sản xuất đủ các loại rượu mạnh và rất nhiều xí nghiệp khác nữa.
Một tuần lễ trôi qua, hai đứa con và cháu tôi đã tìm được việc làm với số lương trên 4 $/ giờ. Một tháng sau con trai tôi trở về Texas đón vợ lên Illinois và chúng tôi quyết định đi Peoria cho gần con cháu và riêng tôi có nhiều cơ hội làm lại cuộc đời.
Khi còn ở Việt nam, sau 12 năm quân vụ trong hàng ngũ trừ bị, tôi được Quân đội trả về đời sống dân sự với số tiền thâm niên vừa đủ mua cho đám con tôi một chiếc Tivi Sharp đen trắng 19 inches. Được Công ty Shell Việt Nam tuyển dụng và bổ nhiệm trông coi kho dầu xăng tại Phi trường Tân Sơn Nhất cho tớI ngày mất nước. Trong khi còn ở trại tỵ nạn Pendleton, tôi được ông Giám đốc nhân viên Shell Hoa kỳ hứa sẽ thâu nhận lại. Nhưng lời hứa của ông cũng như lời ông Thị trưởng Detroit cũng chỉ là lời hứa xuông. Lúc còn làm việc với Campbell Soup tôi có viết thư cho ông biết rõ việc làm hiện tại của tôi, xin ông cho một việc dù rằng thấp nhất và bất cứ ở đâu. Ông ta trả lời hiện nay không có việc nào thích hợp với tôi cả và khuyên tôi nên tiếp tục với Campbell Soup tương lai sẽ sáng lạng hơn. Tôi ngao ngán và buồn tủi cho thân phận mình, trước kia đã được huấn luyện tại ngoại quốc về nhiên liệu hàng không và nhựa đường, điều khiển hàng trăm nhân viên, mà nay làm anh phu khuân vác sao mà có tương lai sáng lạng cho được.
Cũng vào ngày 30 tháng 4 năm 76, một năm sau ngày bỏ nước ra đi, mẹ tôi, vợ chồng chúng tôi và đứa cháu nội vừa tròn một năm rời bỏ Detroit đi Illinois. Còn 6 đứa con và cháu ở lại học cho đến mùa hè.
Trong suốt tháng 5 tôi vừa đi tìm việc vừa đi thuê nhà chuẩn bị cho một gia đình 13 người. Nhà cho thuê ở Peoria hồi đó còn đắt hơn ở Orange County rất nhiều, 600$ cho một appartment 2 phòng ngủ, gia đình tôi, tối thiểu cũng phải 2 căn mới tạm đủ. Nhưng rồi mọi việc cũng thu xếp xong suôi, một hội viên nhà thờ bảo lãnh cho vợ chồng con gái tôi cho mượn chiếc xe Station wagon và chiếc móc hậu để chúng tôi về Texas đón đám trẻ lên.
Vác lá thư giới thiệu của Côngty Shell với tờ resumé đi xin việc, mà dù cho là việc lao động cũng bị từ chối khéo là overqualified và tuổi đã cao. Một tháng sau tôi xin được chân quét dọn tại trường Trung học với số lương 5.$75 và được nhà thờ Church of Christ bảo trợ cho con gái tôi tại thành phố Morton đã cho mượn 3000$ trả góp không tiền lời để mua căn nhà tuy cũng chỉ có hai phòng ngủ nhưng có tầng hầm basement rộng rãi và đầy đủ tiện nghi tạm dụng cho 13 người.


Năm 1977 tôi được hãng Shell gọi trở lại làm việc ở xưởng nhựa đường tại Pekin cách nhà 14 miles. Phần vì sẵn có khả năng chuyên môn và đặc biệt do sự giới thiệu của George Goetzi một đồng sự tại Tân sơn nhất khi trước, nay đã là Phó Giám Đốc vùng Mid West gồm 10 tiểu bang miền Tây Bắc Hoa Kỳ. Các con cháu tôi đứa đi học, đứa đi làm và chỉ 2 năm sau mấy đứa cháu vợ tôi đã mua nhà ra ở riêng. Năm 1979 chúng tôi đón thêm đứa cháu trai 12 tuổi, con thứ hai của chú em tôi từ đảo Pulo Bidong sang.
Năm 1980 chúng tôi đã dành dụm được chút đỉnh, nên mua thêm căn nhà khác tại đường Virginia.
Căn nhà trước chỉ là nơi tạm trú, căn nhà sau này chính là nơi chứa đựng biết bao nhiêu chuyện vui buồn. Những chuyện vui bao giờ cũng tới trước, bắt đầu là lễ vu quy cho cô con gái thứ 2, rồi đến lễ thành hôn của người cháu vợ. Đầu năm 1982 chúng tôi bảo lãnh cho vợ chồng đứa cháu, con người anh con cô con cậu rời Hà nội đến Hồng Kông vào cuối năm 1981. Vài tháng sau chúng tôi đón vợ chồng người em ruột tôi từ Việt nam sang đoàn tụ và năm 1983 gia đình cô em ruột tôi gồm 9 người cũng sang xum họp. Đại gia đình chúng tôi trở nên đông vui đầy đủ nhất trong vùng với khung cảnh Tứ đại đồng đường. Có lẽ Trời, Phật đã ngoảnh lại đoái thương đến gia đình chúng tôi đã phải gánh chịu biết bao nhiêu gian nguy khổ sở. Suốt 30 năm từ 1945 đến 1975 chúng tôi đã 5 lần làm lại cuộc đời với hai bàn tay trắng. Trong những cuộc càn quét của giặc Pháp, diệt tề, đấu tố tiếp đến cuộc chiến dai dẳng ác liệt, rồi lại bỏ nước ra đi, kẻ xuống tầu, người vượt biển tất cả anh em con cháu chúng tôi đều bình yên vô sự. Thành khẩn cám ơn Trời, Phật, Tổ tiên đã phù hộ cho chúng tôi yên ổn đến miền đất tự do và phồn thịnh.
Tạ ơn trên đã phù hộ, độ trì và ban ơn phước cho gia đình chúng tôi, tôi đã tự nguyện làm việc suốt 13 năm liền cho cộng đồng với biết bao nhiêu chuyện nhiêu khê, phiền toái, nhưng đôi lúc cũng an ủi rằng đã làm ấm lòng cho chính gia đình tôi cũng như đồng bào ở miền đất xa lạ này. Những năm mới đến, đồng bào từ Chicago, Minesota, Missouri, Iowa cách xa hàng 200 miles cũng xuống họp mặt. Nhưng khi thấy mình đã khá giả có thể sống ổn định tại quê hương này, người ta bắt đầu phân chia hơn kém, suy bì, ganh ghét về nhà cửa con cái học hành v. .v.
Ngày kỷ niệm 10 năm bỏ nước ra đi, quan khách Hoa Kỳ gồm chính quyền, dân biểu, những người đã từng bảo trợ hết lớp này đến lớp khác và những người cưu chiến đã cùng chúng ta liền lưng chiến đấu cho Tự Do đứng chung quanh chiếc bánh vĩ dại bằng nửa chiếc bàn mang hình nước Mỹ có bức tượng Nữ Thần Tự do và giòng chữ đỏ thắm : Xin thượng đế hãy phù hộ cho đất nước Hoa Kỳ, xứ sở của Tự Do và thiên dường của những người tỵ nạn.. Chúng tôi kể lại những nỗi đau thương, bi thảm của ngày bỏ nước ra đi và luôn luôn ghi nhớ nghĩa cử hào hiệp cao đẹp của những người tuy không cùng mầu da, giòng máu nhưng đã mở rộng vòng tay đón nhận chúng tôi. Khi những người tỵ nan lên tặng quà cho người bảo trợ, hai bên ôm nhau với những giòng lệ chứa chan xen lẫn giọng nói sụt sùi cảm động không lên lời.
Còn đang dạt dào trong niềm cảm súc xuất phát tự đáy lòng, cô phóng viên trẻ đẹp của đài truyền hình điạ phương đã hỏi một câu làm tôi chết đứng : Thưa ông hội trưởng, hôm nay sao lại quá ít người Việt như vậy. Nhìn quanh, quả thật chúng tôi chỉ có chừng 40 nguười lớn mà một nửa ở trong ban tổ chức và khoảng 50 trẻ em, trong khi đó quan khách trên đưới 200 người. Tôi ngượng ngùng giả vờ cảm động ngập ngừng nói là chúng tôi phải làm 2,3 job cho nên đi làm cả thứ bẩy, chủ nhật. Lòng tôi đau đớn ê chề, biết rõ lý do nhưng không dám nói, vì những lần trước gặp mặt hay tổ chức lễ lạc gì mà có khiêu vũ người ta kéo đến cả ngàn người. Trong lễ hội đón mừng Xuân mới, hội trường có cả ngàn người, mà khi ban tổ chức đứng lên kêu gọi từ tâm, xin mỗi người đóng góp cho 1-2 đồng để ủng hộ thuyền nhân. Hơn một chục cô gái trẻ đẹp với chiếc lẵng đi vòng quanh hôị trường hết lời xin trợ giúp mà kết quả thực là phũ phàng tàn tệ : 61 $25 Có thể nói đến 80% số người có mặt hôm đó là những người đã đến đây bằng đường biển. Thực là ngao ngán, lương tâm của họ có lẽ đã bỏ quên lại ở những trại tỵ nạn, hay nói theo từ ngữ thường gặp trong phim bộ, lương tâm của họ đã bi chó ăn mất từ lâu. Chúng tôi và hơn một chục gia đình nòng cốt của hội, cố gắng thêm 3 năm nữa, và sau ngày 30-4 - 88 chỉ còn vẻn vẹn gia đình những người trong ban tổ chức tham dự. Còn những người khác họ chỉ muốn vui chơi vô trách nhiệm mà quên hẳn những chuyện xưa và không còn tình nghĩa nên chúng tôi phải đành lòng giải tán hội không thể tiếp tục tổ chức ăn , nhẩy dược nữa...
Tạo hóa đã an bài, gia đình chúng cũng tôi không thể an vui, đoàn tụ mãi mãi được . Vào thời kỳ này thành phố Peoria xuống dốc thê thảm. Hãng Caterpillar đứng vào hàng thứ 50 trong các hãng lớn trên toàn quốc,.chuyên sản xuất các máy cầy, máy gặt, máy xúc đất, máy nổ, máy phát điện v.v.v.bị nghiệp đoàn đòi hỏi tăng lương và lợi nhuận quá mức, thêm vào đó bị hãng Komatsu cạnh tranh cho nên ế ẩm, phải ngưng sản xuất và sa thải một lúc cả muời ngàn nhân viên, kéo theo hàng trăm hãng nhỏ cung cấp phụ tùng và dịch vụ cho Caterpilar phải đóng cửa. Tiếp theo đó hãng bia Pabst cũng dẹp luôn nhà máy, vì nghiệp đoàn công nhân đõi hỏi lương bổng ngang với Caterpilar, hãng American Distillery rời về Arkansas. Không có công ăn việc làm, trên 10.000 gia đình rời bỏ đi nơi khác, cho nên Peoria là một thành phố chết, 6 khu thương mại bách hóa (Department Store ) lần lượt đóng cửa, nhiều tiệm ăn bị dẹp vì không còn khách. Nhà cửa xuống giá, con nợ bỏ nhà quá nhiều, ngân hàng vỡ nợ, phố xá xưa kia người xe tấp nập, ngày nay vắng vẻ như chùa Bà Đanh.
Căn nhà của chúng tôi xưa kia là tổ ấm của đaị gia đình nay không còn đông vui nhộn nhịp như trước. .
Từ năm 1984 những chuyện buồn lớn nhỏ liên tiếp diễn ra. Bắt đầu bằng chuyện người cháu rời đi Seattle với gia đình người vợ. Con trai lớn của chúng tôi sau khi tốt nghiệp đaị học là đi California tìm việc, hai cô con gái tôi và con rể cũng đi California đoàn tụ với các anh chị em nhà chồng. Gia đình cô em gái tôi thất bại trong việc mở tiệm ăn cũng rời Peoria đi Houston lập nghiệp. Tháng 6 năm đó, đứa cháu ngoại 14 tháng,vợ tôi nuôi từ lúc lọt lòng, mới lẫm chẫm biết đi và bi bô tập nói,bỗng nhiên từ giã chúng tôi sau một cơn nóng sốt. Chưa kịp nguôi ngoai những nỗi bàng hoàng đau đớn, lại được tin người chị ruột vợ tôi mất ở Việt Nam và tiếp theo sau đến lựợt mẹ tôi cũng từ giã chúng tôi ra đi vào tháng 9. Tháng 11 ông anh đồng hao với tôi cũng qua đời. Chẳng bao lâu đứa con trai út của chúng tôi cũng sang California học tiếp, và năm 86 chú em tôi ở Texas cũng đột ngột qua đời vì chứng kíck tim quái ác, khi vừa ở phòng mạch ra về.
Bao nhiêu biến cố, tai họa giáng xuống gia đình chúng tôi. Chỉ trong vòng một thời gian ngắn ngủi, mà căn nhà của tôi trở nên vắng lặng khác thường. Tôi đi làm , dù sao cũng có công việc để khuây khỏa nõi buồn, nhưng đối với vợ tôi đây là những chuỗi ngày dài vô tận. Vì từ nhỏ đã quen với nếp sống tề gia, nội trợ, không ra bên ngoài,vợ tôi gần như không còn một chút sinh khí sau những tin buồn dồn dập xẩy ra. Tôi phải xin nghỉ hai tuần để đưa vợ tôi đi California thăm con cháu cho khuây khỏa nỗi buồn. Mẹ tôi mất đi, không còn ai thủ thỉ chuyện trò ôn lại những kỷ niệm êm đềm của ngày xa xưa hoặc sự gian truân, nguy hiểm, chết chóc trong những lần trốn chạy trong cuộc càn quét của giặc Pháp ở Hưng Yên, Hải dương. Vợ tôi cũng không quên những nỗi kinh hoàng khiếp đảm khi cùng mẹ tôi và đứa con gái đầu lòng của chúng tôi ở lại quê nhà giữa vùng xôi đậu, quân Pháp càn quét ban ngày và ban đêm Việt Minh thẳng tay khủng bố diệt tề. Giữa mẹ tôi và vợ tôi có nhiều thứ chuyện, kể đến trăm năm vẫn chưa hết. Nay mẹ tôi đột ngột ra đi, vợ tôi như người hụt hẫng mất sự nương tựa, bám víu. Đứa cháu nhỏ, một nguồn vui độc nhất vô nhị cũng không còn nữa. Trước kia tuy bận rộn xuốt ngày nhưng khi thấy nụ cười tươi tắn với những chiếc răng sữa trên khuôn mặt thơ ngây, vợ tôi tôi quên hẳn mệt nhọc. Nhưng bây giờ tất cả chỉ còn là trống vắng mênh mông. . .
Mùa đông năm đó đến sớm hơn mọi năm. Nhìn vào hàn thử biểu, tuy chỉ có 5-10 F mà sao thấy quá lạnh với vợ chồng tôi. Trong gần 20 năm cư ngụ tại Peoria chúng tôi đã trải qua 2 mùa đông lạnh nhất và nhiều tuyết nhất trên một trăm năm kể từ khi có thống kê. Năm 1977 có hôm lạnh tới -25 F và 52 inches tuyết, gió lanh (wind chill factor ) lên tới -75 F, năm 1983 lạnh -22 F và 49 inches tuyết mà cũng không thấy lạnh như vậy. Lò sưởi chạy vù vù gần như không ngưng nghỉ,vợ chồng tôi ngồi ngắm cảnh tuyết rơi, nghe gió hú mà lòng buồn man mác.
Chúng tôi thầm tiếc những ngày vui chóng qua, nhưng cũng an ủi rằng nỗi gian truân vất vả mà vợ chồng chúng tôi đã từng hứng chịu bao nhiêu năm cũng chẳng còn. Một chân trời tươi sáng đang chờ đón con cháu chúng tôi. Đông qua, hè tới bởi vì mùa xuân ở xứ lạnh quá ngắn và gần như không có. Mới hôm nào cây cối còn trơ cành trụi lá, nhưng chỉ sau vài ngày nắng ấm lá non đã mọc lên xanh tươi và hoa đã trổ bông. Chim chóc chạy trốn cái lạnh đã từ miền Nam trở về. Mới sáng sớm tinh mơ, đàn chim đã gịuc nhau tỉnh dậỵ. Những tiếng chim thôi thúc, dục giã làm vợ chồng tôi hồi tưởng lại buổi sáng bi thảm năm xưa. Khi nghe tiếng chim mẹ đánh thức đàn con, vợ chồng tôi vội vàng thay quần áo chạy đến nhà thương. Chúng tôi hy vọng và cầu mong ơn trên ban cho một phép lạ làm cho đứa cháu thân yêu, nghe thấy tiếng gọi của chúng tôi mà tỉnh giấc nồng trở về dương thế. Nhưng sự thực quá phũ phàng, cháu tôi vẫn nằm im bằn bặt, nét mặt vần hồn nhiên không thay đổi. Bộ óc non nớt của cháu đã ngưng hoạt động từ mấy hôm nay và tất cả chỉ còn nhờ vào những chiếc máy vô tri, vô giác. .
Tôi muốn về hưu sớm, nhưng chưa đủ thâm niên để có hưu trí và bảo hiểm sức khoẻ, nhưng chúng tôi cũng không thể ở lại căn nhà căn nhà quá rộng và nhất là càng gợi cho chúng tôi những nỗi đau lòng. Gặp người muốn mua, chúng tôi bán tống, bán tháo với giá thấp hơn giá mua khi trước và còn tặng luôn tất cả đồ đạc trong nhà. Dọn về ở chung với vợ chồng người con trai thứ hai ở ngôi nhà đầu tiên trên miền đất xa lạ này, chúng tôi thấy ấm áp hẳn lên và cũng tạm nguôi ngoai nỗi buồn.
Mấy năm sau tôi về hưu và dọn về California để chạy trốn cái lạnh và gần người con gái thứ hai cùng đàn cháu nhỏ. Tôi muốn mua một miếng đất ở xa thành phố, dựng căn nhà nhỏ có vườn cây, ao cá để được sống yên tĩnh, nhưng vợ tôi lại muốn ở chung cho gần con gần cháu. Vợ tôi đã bỏ hết một cuộc đời vì cha mẹ chồng, vì tôi, vì con và vì cháu không có một sở thích riêng biệt nào, cho nên tôi đành gác bỏ ý định tôi đã đã mong ước từ lâu. Khi còn ở miền Bắc xa xôi, tôi đã vượt 10 mẫu ruộng, đào mương lạch chung quanh đắp nền trồng chuối và khi vào Nam tôi đã mua 3 mẫu ở Tân Thuận đông để thực hiện mộng ước năm xưa. Nhưng chiến cuộc đến hồi quyết liệt và tiếp theo là cuộc đời trôi nổi bỏ nước ra đi.
Vợ tôi bảo: Tôi đã theo ông gần hết cuộc đời, nay chẳng còn bao nhiêu nừa...
Vì vậy tôi cũng đành ca câu Em ơi nếu mộng không thành thì cũng chẳng sao, anh sẽ theo em đến ngày cuối của cuộc đời. Chúng tôi may mắn đựơc vui hưởng tuổi già bên những người con hiếu thảo, dâu rể hòa thuận và đàn cháu ngoan ngoãn. Gần như không có bạn bè, thân thuộc tôi đành tìm thú vui bên những khóm lan và giá vẽ.
Từ ngày về hưu đến nay, tính ra đã gần 10 năm qua, bỗng dưng vài buổi sáng nay tôi lại nghe thấy tiếng chim hót sau vườn. Tiếng chim hót lần này thong thả dịu dàng và không còn vẻ thê lương,thôi thúc như trước. Vợ tôi chợt cựa mình hỏi "Mấy giờ rồi"" và lại êm ái đi vào giấc mộng. Tôi nằm yên và cầu mong cho chính tôi có một giấc ngủ êm đềm cho đến khi buông xuôi nhắm mắt.

Placentia 10- 01
BÙI XUÂN ĐÁNG

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 843,992,345
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.
Nhạc sĩ Cung Tiến