Hôm nay,  

Cho và Nhận

23/03/201500:00:00(Xem: 11098)

Tác giả: Kim Phuong Newman
Bài số 3493-16-29893vb2032315

blank
Tác giả.

Sống tại Mỹ từ năm 2002 hiện là cư dân Vancouver, WA. Nghề nghiệp Artist (làm tranh bằng những vật liệu trong thiên nhiên như hoa lá cây cỏ ép khô…) Bài đầu tiên của tác giả là “Cán Ơn Mẹ”, kể về bà mẹ chồng người Mỹ bằng tấm lòng trân quí. Tác giả hiện là giáo viên thiện nguyện của trường Văn Lang Portland, OR. Bài sau đây được viết nhân Kỷ niệm 25 năm thành lập của Trường Việt Ngữ Văn Lang Portland, OR.

* * *

blank
Sân khấu mừng 25 năm trường Văn Lang.

Chỉ là một cuộc dạo chơi rồi tôi thấy mình trở thành một thành viên của trường Việt Ngữ Văn Lang tự lúc nào không biết.

Bắt đầu vào ngày chủ nhật - Một ngày chủ nhật của 4 năm về trước- Tôi qua nhà cô bạn hàng xóm chơi, đúng lúc cô ấy phải chở con đi học tiếng Việt, thế là tôi được rủ đi theo cho biết. Chẳng là tôi chỉ mới vừa chuyển về sống ở Vancouver được vài ba tháng trước đó. Tôi đi theo bạn vào trường với một cảm xúc thật lạ lùng. Vì bạn biết không? Tôi qua Mỹ cũng khá lâu và nơi tôi sống trước đây là một nơi bạn bè gọi là khỉ ho cò gáy, người Mỹ còn đếm trên đầu ngón tay chứ nói chi đến người châu Á hay người Việt Nam. Thỉnh thoảng tôi cũng đi chơi thăm bạn bè, ở những thành phố hay tiểu bang khác nhưng chưa bao giờ thấy trẻ con người Việt tập trung nhiều như vậy.

Cô bạn không là cô giáo nhưng cũng là tình nguyện viên trong trường. Hôm ấy, có một buổi họp giữa các tình nguyện viên với một thầy trong ban Giám hiệu. Không lẽ lơ ngơ ngồi một mình nên tôi cũng tháp tùng theo. Một trong những nội dung của buổi họp là nhu cầu cần trợ giáo cho một số lớp học. Rồi khi nghe hỏi “Ai thấy mình có thể giúp nhà trường?”, tôi thấy mình đưa tay. Thầy Minh hỏi tôi có thể phụ trách lớp nào. Tôi trả lời lớp nào cũng được, theo yêu cầu của nhà trường. Lớp 6 nhé-Được ạ!

Thế là sau buổi chiều chủ nhật hôm ấy, tôi trở thành một thành viên của trường Việt ngữ Văn Lang.

Tôi kể cho bạn bè ở xa rằng năm nay là năm thứ 25 rồi đó- Vâng! 25 năm trường Văn Lang đã tồn tại và trưởng thành.

Một số bạn bè, người quen có vẻ thán phục, khi biết tôi dạy học cho trường mà không nhận tiền lương. Họ bảo tôi đó là sự hy sinh. Tôi nghĩ điều đó thật đúng -nhưng không phải cho tôi, mà đúng cho tất cả các thầy cô, nhân viên đang hoạt động trong trường.

Còn với tôi - Hy sinh ư? Tôi không dám nhận cho mình hai chữ ấy. Chỉ đơn thuần như một sự cho đi và nhận lại. Mà cái cho đi của tôi, nếu đặt lên bàn cân để so với cái nhận lại, thì dĩa cân chắc hẳn sẽ có sự chênh lệnh ghê gớm mà đầu nhẹ là ở phần cho đi.

Liệu bạn có đang cười vì nghĩ tôi đang nói quá đó không?

Để tôi nói cho bạn nghe những điều tôi nhận được nhé.

- Tôi đã nhận được phương thuốc chữa bệnh.

Có một thời gian dài sức khỏe tôi không được tốt lắm. Cho dù BS không tìm ra được là bệnh gì nhưng nó cũng kéo dài đến hai, ba năm làm tôi rất hoang mang, lo lắng. Khi chồng tôi về hưu và chúng tôi quyết định chuyển về Vancouver, WA sống, tôi vẫn còn loanh quanh hết bác sĩ này đến bác sĩ khác để tìm bệnh. Vậy mà khi tham gia vào trường, cơn bệnh của tôi khá dần đi. Những cơn đau, nỗi lo lắng dù vẫn còn đó nhưng không làm tôi xuống tinh thần như trước. Từ buổi đầu tiên vào lớp làm quen với các em học sinh, rồi những khi loay quay chuẩn bị với bài vở để dạy, đến những cuộc sinh hoạt của trường lớp, cùng mối quan hệ mới với các thầy cô trong trường dần dần tôi đã khỏe hẳn. Tôi như tìm lại tôi của những ngày dạy học rất xa xưa. Cái vỏ ốc tạm thời tôi phải chui vào im ngủ trong đó một thời gian khá dài được đập bỏ -

Chồng tôi bảo tôi như một người mới vậy.

Đúng như tôi như vừa tỉnh dậy một cơn ngủ dài –Bạn chắc sẽ khó hình dung ra nơi tôi ở trước đây- Từ đô thị Sài Gòn ồn ào, náo nhiệt, ra ngõ là thấy bạn bè…. tôi theo chồng về định cư một nơi gần như “cõi tiên” vậy. Chung quanh là núi rừng, suối chảy, thông reo, cỏ lá ngàn hoa. Tôi yêu khung cảnh thiên nhiên ấy, tôi yêu cuộc sống thật bình yên, thanh bình ấy, nhưng thấp thoáng trong tôi, tôi thấy lòng mình luôn dậy lên rất nhiều nỗi nhớ. Có những nỗi nhớ mông lung vừa đến chưa kịp hình dung tên gọi đã vội thoáng bay đi mất. Có những nỗi nhớ với tên gọi, hình ảnh thật rõ ràng đan kẽ, chen chúc, đôi khi xô đẩy làm thành những cơn sóng âm ỉ. Có những nỗi nhớ và rất nhiều nỗi nhớ... làm cho tôi bật khóc mà không biết tại sao.

Có lẽ, từ những nỗi nhớ gặm nhắm đó mà tôi bệnh. Những cơn đau vô cớ từ từ xuất hiện làm cuộc sống hàng ngày bị đảo lộn–Tôi là một artist nhưng rồi phải tạm dừng công việc của mình. Khi các bác sĩ cứ chuẩn đoán là tôi bị trầm cảm, tôi thấy thật vô lý. Tôi đang sống bình thường, đang bận rộn với công việc làm tranh của mình, vẫn hạnh phúc bên người chồng yêu thương tôi hết mực, vẫn thỉnh thoảng tụ họp làm bánh trái với dăm ba cô hàng xóm người Mỹ, làm sao mà tôi bị chứng trầm cảm chứ. Tôi chỉ nhớ thôi mà… Nhớ người thân, bạn bè Việt Nam quanh quẩn nói cười, nhớ những buổi họp mặt thi nhau nấu nướng món ăn của quê hương, nhớ những câu chuyện tiếu lâm thâm thúy làm đỏ mặt người nghe…nhớ nhiều lắm những điều đơn giản đó…

Mà cuộc sống nơi ấy thì không thể có những điều như thế.

Có lẽ những nỗi nhớ đó làm tôi bệnh.

Nhưng từ khi là cô giáo của trường văn Lang thì tôi không còn nhớ nữa rồi. Vì tôi đã có những “anh, chị nhỏ“ học trò làm cho tôi bận rộn.

Bận rộn, bạn có thể hiểu vì những giáo án phải soạn, những bài vở phải chấm, vì những đau đầu, nhức óc tìm cách để “thu phục nhân tâm” cho lũ nhóc “tâm phục, khẩu phục”, mà vui vẻ học hành. Bận rộn, bạn có thể hiểu là vì phải ngồi mày mò trên những trang Web để chọn ra những câu chuyện vui, ngộ nghĩnh có tình huống cho các em chuyển ra tiếng Việt để tập kể hay đóng kịch. Bận rộn, là thức dậy 5 giờ vào những sáng chủ nhật để lo làm bánh đem vào lớp… hay bận rộn là những lúc không làm gì cả, chỉ đứng trước lớp học, nhìn mấy chục cái miệng lao xao mà nhủ thầm “Ôi chao, học trò... Mình đâu đó của ngày xưa”.

Bận rộn, cũng là lúc nghe trái tim đang đập nhè nhẹ, như những nốt nhạc êm đềm. Rồi chợt dưng, nghe một nốt nhạc cao vút lên và âm thanh ấy dội lại cứ thánh thót ngân vang, khi thấy lẫn trong những khuôn mặt đang cắm cúi làm bài, có biểu hiện hình trái hình trái tim đưa lên, từ hai bàn tay góp lại của một cô học trò mà những buổi học đầu tiên tỏ ra rất phớt lờ cô giáo. Hay là lúc thấy nước mắt như ướt nhòe, khi đọc những dòng chữ vẫn còn sót lỗi chính tả mà ăm ắp thương yêu chân thành của các em viết trong tấm thiệp gởi tặng- Hay bận rộn là khi nhận những lời động viên và cám ơn chân thành của các vị phụ huynh. Và bận rộn cũng là khi ngồi cười hạnh phúc, mở những gói quà nho nhỏ được chất cả thùng nhận vào ngày Christmas mà rất nhiều từ những em học sinh của năm học cũ.


blank
Đội múa thiếu nhi.

Bạn ơi, bạn có muốn bận rộn như tôi không?

- Tôi nhận được rất nhiều niềm vui từ những người bạn mới.

Có người nói họ không thích giao du nhiều với người Việt, vì ở đâu có đông người Việt, thì sẽ sinh ra lắm chuyện. Có thể họ tôi không sai, tôi nghĩ như thế. Vì mỗi góc cạnh của sự việc được đánh giá theo sự trãi nghiệm riêng của mỗi người. Hay, đúng, xấu, dở được gán cho chúng cũng theo tùy theo hỉ, nộ, ái, ố.. của từng thời điểm, từng hoàn cảnh. Tôi thì rất vui vì bây giờ chung quanh tôi, nơi trường Văn Lang, tôi có rất nhiều bạn. Với tôi, những người bạn ấy ai cũng dễ thương, vui vẻ, đầy ắp nhiệt tình và như vài người bạn của tôi đã nói: Họ biết hy sinh!

Trở thành cô giáo của Văn lang, cùng trăn trở theo những khó khăn, cùng chia xẻ, lo toan theo những nhu cầu của trường học, tôi mới cảm nhận thật sự bao công khó của những người đã gắn bó với trường trước đây và hiện tại. Nó không thể đo lường bằng con số cũng không thể đong đếm bằng tiền bạc vì giá trị tinh thần của nó thật vô biên.

25 năm trôi qua, một phần tư của một đời người, Văn Lang đã đón nhận bao nhiêu thầy cô đến tình nguyện để làm việc, để cùng ươm mầm, tưới mát, giữ gìn những con chữ họ gieo.

Rất nhiều!

Bao nhiêu người dù không đứng lớp giảng dạy nhưng đã đổ bao giọt mồ hôi, đã vất vả lao công, khổ trí để tạo nên sự bền vững và an toàn cho trường học và các em học sinh?

Rất nhiều!

Có người đã tạm dừng đóng góp một thời gian rồi quay trở lại. Có người từ những buổi sơ khai dăm học trò, chục thầy cô, giờ những con số ấy lên đến hàng số trăm, vẫn còn gắn bó. Và hiện tại có cả mấy chục con người, mỗi chủ nhật bỏ bê việc nhà chưa lo xong, cần mẫn chăm chỉ đến trường để làm việc. Người đứng lớp, người lo việc hành chánh, người lo việc bảo vệ, an toàn …Họ đó ! tất cả những người ấy tôi tự hào để gọi là bạn.

Bên cạnh những người bạn ấy, tôi thấy ấm áp, gần gũi. Có lẽ vì chúng tôi cùng chung một mục đích, một hoài bão và có chung những niềm vui. Niềm vui đó được hình thành từ những đoàn kết, gắn bó và chia xẻ khi cùng nhau làm việc. Trường Văn Lang chưa phải là một tổ chức hoàn hảo, chúng tôi biết điều đó. 25 năm qua, từng ngày những người có trách nhiệm vẫn đang trăn trở, tìm phương cách để cải thiện môi trường cùng với phương cách, chương trình dạy học. Các thầy cô Văn lang không phải ai cũng là người có nền tảng học vấn chuyên về sư phạm. Nhưng họ cùng mang chung cái tâm cống hiến để thực hiện hoài bão gìn giữ văn hóa tiếng VIệt nơi xứ người. Có lẽ vì thế mà chúng tôi thấy dễ gần nhau. Có thể đâu đó vẫn có những bất đồng, những bực bội, chưa hài lòng điều kia, điều nọ…nhưng cuộc sống mà, phải không bạn?

Hãy để gió cuốn đi…..

Tôi đã cười rất nhiều từ khi tôi có những người bạn mới này. Chỉ vài phút ngắn ngũi gặp nhau trước hay sau buổi dạy.. cũng có chút chuyện để cười. Xen lẫn trong buổi họp hành cũng to nhỏ với nhau vài “chữ tuy nhỏ mà ý rất to” để khúc kích cười. Và tiếng cười thành miên mang, òa vỡ thành từng tràng như pháo nổ trong mỗi buổi sinh hoạt ngoại khóa, những buổi party, picnic, cắm trại thường năm.

Trước khi vào Văn Lang dạy, những niềm vui đó đã rất lâu rồi tôi không có được.

- Tôi có cơ hội để nấu nướng, làm bánh trái.

Tôi thường có thói quen xả tresss sau những giờ đồng hồ cắm cúi bên những bức tranh, bằng cách vào bếp làm bánh trái hay thử nấu các món ăn lạ. Tham gia vào trường Văn lang, tôi có thêm đất để “dụng võ”. Mỗi khi có họp hành, tôi thường nhân cơ hội để luyện tay nghề. Đặc biệt là những lần cắm trại, tôi bày ra đủ thứ để nấu bán gây quỹ cho trường.

Và tôi có dịp làm bánh cho lũ học trò.

Tôi rất thích làm bánh nhưng chồng thì chỉ có một (!) và chồng chỉ được ăn dăm ba cái rất thi thoảng vì sức khỏe. Thế nên tôi nghĩ là nên làm cho học trò ăn snack, may ra sau giờ chơi chúng s”áng mắt sáng lòng” mà chịu học hơn. Nhờ vậy, kỹ năng làm bánh trái của tôi tiến bộ thấy rõ. Bây giờ, tôi có thể làm đủ thứ cho các khách hàng này: từ bánh xu xê, bánh chuối, bánh khoai mì, đến mochi, bánh xuxu, bánh lưỡi mèo, bánh Mandeleine... Có một điều là tôi không lường được là số lượng bánh ngày càng phải tăng gấp đôi, gấp ba... Lớp học hiện tại gần 20 em, nhưng giờ chơi chưa kịp mở cửa lớp học ra là đã nghe tiếng học sinh cũ chạy về nhao nhao bên ngoài. Lại thêm mấy vũ công nhí trong đội múa do tôi hướng dẫn. Bất chợt, một hôm chạy qua thăm tôi, chúng thấy bánh ngọt, thế là bây giờ rất thường xuyên đến mỗi giờ chơi, chứ không còn bất chợt nữa.

Khi tôi nói tôi thức dậy lúc 5 giờ sáng để làm bánh mỗi sáng chủ nhật, bạn có tin tôi không?

- Khi tôi tham gia vào các hoạt động của nhà trường, tôi nhận ra anh ấy là người chồng tuyệt vời hơn tôi từng biết và chúng tôi gắn bó với nhau hơn.

Trong cuộc sống hàng ngày, nhất là trong việc làm tranh của tôi, chồng tôi đã luôn là người đồng hành theo tôi từng chặng đường từ lúc bắt đầu tập tểnh cho đến hôm nay, tôi đã trở thành một Artist thật sự. Tôi biết là tôi may mắn có một người chồng rất tốt. Nhưng chỉ khi là cô giáo của trường Văn lang, có thể tham gia những hoạt động mình yêu thích, tôi mới nhận ra chồng tôi tốt hơn, tuyệt vời hơn tôi từng nghĩ đến rất nhiều.

Một ngày làm việc cho những bức tranh của tôi thường trung bình khoảng 5, 6 tiếng, từ thứ hai đến thứ sáu. Trừ mùa hè, thì thứ bảy và chủ nhật tôi dành cho trường học. Chủ nhật tôi đến trường dạy học tiếng Việt và thứ bảy thì tôi đến văn phòng trường để dạy múa cho các em nhỏ. Công việc tình nguyện này tôi sẽ không làm được nếu không có sự ủng hộ và giúp đỡ của chồng tôi. Vì tôi không lái xe, nên anh ấy là người đón đưa các buổi đi về từ trường học đến văn phòng, chưa bao giờ một lần từ chối hay phiền lòng.

Chồng tôi là người chở tôi đi khắp các tiệm để tôi tìm kiếm những mẫu áo đầm đẹp cho đội múa- là người ngồi cặm cụi làm những vật dụng cho các em trình diễn. Những cái trống cơm xinh xinh hay chú voi trông cũng rất”khổng lồ” là do chồng tôi ngồi tỉ mỉ tạo thành.

Tôi chia xẻ với chồng tôi chuyện của trường của lớp, của những người bạn ở Văn lang mà bây giờ không chỉ là bạn của riêng tôi. Đó cũng là điều khiến chúng tôi gắn bó với nhau hơn.

Chồng tôi không phải là một thành viên của trường Văn Lang nhưng trong lặng lẽ thông qua tôi, anh ấy đã góp một phần nào đó và sự tồn tại và lớn mạnh của nhà trường. Và trường Văn Lang trong một ý nghĩa nào đó cũng tạo nên sợi dây thắt chặt hơn cho tình cảm của chúng tôi.

Bây giờ nếu hỏi bạn cân giúp tôi giữa cái cho và nhận, bạn có cần đăt phải đặt lên bàn cân mới có câu trả lời hay không?

Kim Phượng Newman

Ý kiến bạn đọc
26/09/202200:26:37
Khách
Tôi quen biết Cô giáo này... khi nói chuyện cũng văn chương như cách viết và lối hành văn trong bài văn này. Cám ơn Phượng cho Đời thêm bông hoa đẹp! Chúc sức khỏe, bình an & hạnh phúc.
24/07/201821:41:52
Khách
Bạn viết chân thành và cảm động quá , chúc gia đình nhiều hạnh phúc và may mắn
10/04/201515:00:31
Khách
Xin cám ơn các bạn về những lời động viên .
Châu Hà, khi nào có dịp gặp,nhớ cho P. làm quen với nhé,
25/03/201504:41:51
Khách
Phượng mến, hay quá P ơi, P kể chuyện và viết bằng trái tim chân tình yêu nghề, yêu cuộc sống . Lần đầu gặp P ở trại hè của Việt Ngữ Văn Lang ( theo con gái của người em là học trò của VL, nhìn P bào các củ cà rốt thoăn thoắt khéo tay làm gỏi, kho cá thật ngon. Lần thứ hai gặp Phượng ở Tết Cộng Đồng Vancouver 2015, Lần thứ ba gặp Phượng qua Việt Báo. Hân hạnh , khâm phục Phượng năng động , đa tài. Trường Việt Ngữ Văn Lang thêm người có năng lực như Phượng cống hiến cho Cộng Đồng, các em nhỏ có thêm cô giáo tươi trẻ cùng đoàn múa thiếu nhi Con Voi xì lồ xì là...( đoàn múa do cô Phượng đạo diễn dễ thương gì đâu á, thương ơi là thương. )
23/03/201518:11:04
Khách
Bài viết hay và rất ý nghĩa. Giọng văn dịu dàng, dễ thương như tác giả (trong tấm hình và thấp thoáng sau các câu chuyện). Một đôi vợ chồng rất tuyệt!
Chỉ còn một điều nhỏ nữa để làm bài viết thành "hết xảy": bạn tránh dùng chữ của VC nhé. Thí dụ như "giáo án" (chương trình dạy), "động viên" (khuyến khích) , "cải thiện môi trường" (theo ý trong bài nghĩa là làm đẹp trường lớp)
Đây chỉ là lời góp ý chân tình, nói chung, rất thích bài viết của bạn.
23/03/201516:47:35
Khách
Hay qua chị Kim Phượng Newman ơi.
23/03/201515:26:54
Khách
Rất nhân văn! Cuộc sống được như thế là quá hạnh phúc! Chúc chị tiếp tục đi tiếp con đường...
23/03/201515:23:54
Khách
Co Kim Phuong that la mot mau Nguoi tuyet voi. UOC gi co la co Giao cua con Chung roi.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,303,496
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.